Ngày 17/6, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tạm giữ 5 sà lan cùng 2.660 m3 cát nhiễm mặn để điều tra việc vận chuyển cát không rõ nguồn gốc.

tam-giu-sa-lan-van-chuyen-cat-nhiem-man-tai-ba-ria-vung-tau
Các sà lan chở cát nhiễm mặn không rõ nguồn gốc. (Ảnh: baobariavungtau.com.vn)

Trong ngày 16 và rạng sáng ngày 17/6, tổ tuần tra Đồn Biên phòng Bến Đá (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát hiện 5 sà lan vận chuyển cát đang trên hành trình từ ngoài biển qua khu vực Sao Mai (TP. Vũng Tàu) hướng về huyện Tân Thành và ghi nhận các phương tiện này chở cát nhiễm mặn không có hóa đơn chứng từ.

Theo số liệu ghi nhận từ lực lượng chức năng:

  • Sà lan SG 7368 (do ông Lại Văn Phượng, SN 1980, quê ở Nam Định điều khiển) chở 430 m3 cát nhiễm mặn, trên sà lan có 6 thuyền viên;
  • Sà lan SG 7516 (do ông Cao Văn Bằng, SN 1988, quê quán Nam Định) điều khiển, chở 250 m3 cát nhiễm mặn, trên phương tiện có 6 thuyền viên;
  • Sà lan BV 1979 (do ông Nguyễn Văn Triệu, SN 1990, quê ở Bà Rịa – Vũng Tàu điều khiển cùng 6 thuyền viên) chở 500 m3 cát nhiễm mặn;
  • Sà lan HD 2455 (do ông Hoàng Văn Thuấn, SN 1974, quê ở Hải Dương điều khiển cùng với 7 thuyền viên) chở 980 m3 cát nhiễm mặn;
  • Sà lan HD 2238 với 7 thuyền viên (do ông Nguyễn Văn Cường SN 1982, quê ở Hải Dương điều khiển) chở 500 m3 cát.

Tại thời điểm kiểm tra, các thuyền trưởng và người đại diện cũng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến con người và phương tiện, giấy tờ chứng minh nguồn gốc số cát đang chở.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính; tạm giữ người và phương tiện, số cát đang chở để tiếp tục xử lý.

Nhiều năm qua, khai thác cát vùng ven biển là một trong những nguyên nhân được nhắc tới khi đề cập đến tình trạng sạt lở dọc bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam tháng 5/2017, dọc bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 10 khu vực sạt lở với tổng chiều dài 42 km và 3 khu vực cửa sông bị bồi lấp. Từ năm 2008 đến nay, với tốc độ xói lở khoảng 10-15 m/năm, nhiều nơi, bờ biển bị lấn sâu vào đất liền gần 100m. Nguyên nhân chính khiến bờ biển tại Bà Rịa – Vũng Tàu xói lở, ngoài các yếu tố tự nhiên như hiện tượng nước biển dâng, thời tiết cực đoan, còn do hoạt động của con người như: xây dựng các hồ đập ở thượng nguồn, khai thác cát vùng ven biển,… làm gia tăng quá trình xói lở ven biển.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cho biết xói lở bờ biển làm ảnh hưởng lớn đến các ngành kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu như: du lịch (biển xâm thực trung bình từ 20-40 m tại nhiều khu du lịch ven biển), nuôi trồng thủy hải sản và nghề đánh bắt ven bờ; đồng thời ảnh hưởng đến tuổi thọ của các công trình xây dựng, cảng, đường giao thông và cư dân sinh sống ven bờ,…

Hải Anh (T/h)

Xem thêm: