Đặt máy chủ tại Việt Nam là trái cam kết quốc tế; Bộ TN&MT có ‘ưu ái’ cho Formosa xả thải vượt tiêu chuẩn; Thủ tướng ký quyết định cảnh cáo ông Huỳnh Đức Thơ; Bãi nhiệm Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh; Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM; Huế: Điều tra vụ lăng mẹ vua Dục Đức bị đào xới nghiêm trọng; Bốn trẻ sơ sinh tử vong tại Bắc Ninh,… là những sự kiện thời sự trong nước nổi bật tuần qua.

ĐBQH: Đặt máy chủ tại Việt Nam là trái cam kết quốc tế

nguyen thi kim thuy
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng). (Ảnh: quochoi.vn)

Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông Internet cho người dùng ở Việt Nam thì có cần phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam.

Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho rằng quy định “nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam” là trái với cam kết của Việt Nam với quốc tế, cụ thể là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) – Việt Nam.

Đại biểu Thúy cũng cho hay hiện Việt Nam đang trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quy định về địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin không thay đổi so với TPP và phía Việt Nam cũng không đòi hỏi thay đổi.

Do đó, Luật an ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chúng ta đã có hai luật để bảo vệ an toàn thông tin mạng rồi, nay thêm một luật nữa, như ba cái khóa cùng khóa một cửa. Vậy thì phải xem lại các khóa đã có đã đảm bảo chưa, nếu chưa thì tại sao không gia cố mà lại phải kèm theo một khóa nữa, phức tạp, cồng kềnh hơn”, đại biểu Thúy đặt câu hỏi.

Bộ TN&MT có ‘ưu ái’ cho Formosa xả thải vượt tiêu chuẩn?

FORMOSA
Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh. (Ảnh: laodong.com.vn)

Ngày 9/1/2014, Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT ông Bùi Cách Tuyến đã ký công văn số 68 cho phép Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) xả khí thải trong giai đoạn thiêu kết áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu là 15%, trong khi đó theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép năm 2013 (QCVN 51:2013), giai đoạn này chỉ được phép là 7% – khiến thông số SO2, NOx tại lò thiêu kết của Formosa vượt từ 1,07-2,47 lần.

Bộ TN&MT đang giao Tổng cục Môi trường biên soạn một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới của năm 2017 (QCVN 51: 2017/BTNMT), điều chỉnh thông số hàm lượng oxy tham chiếu từ 7% lên 15% (trùng với thông số cho phép Formosa xả khí thải trước đó) – khiến dư luận đặt câu hỏi có phải Bộ TN&MT đang ưu ái cho Formosamà xem nhẹ việc môi trường bị ô nhiễm.

Ngày 25/11, Bộ TN&MT có thông tin chính thức về sự việc trên. Theo Bộ TN&MT, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Formosa không liên quan đến việc nghiên cứu, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam hiện nay, đồng thời phủ nhận việc xây dựng quy chuẩn mới để hợp thức hóa cho Formosa.

Thủ tướng ký quyết định cảnh cáo ông Huỳnh Đức Thơ; Bãi nhiệm Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh

Huynh Duc Tho 2626 1505721058
Ông Huỳnh Đức Thơ (trái) và ông Nguyễn Xuân Anh.

Ngày 21/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức ký quyết định số 1852 thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Ông Thơ bị kỷ luật cảnh cáo do trước đó đã bị kỷ luật về Đảng theo Quyết định số 629 ngày 4/10 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sáng ngày 24/11, HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX đã tổ chức kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ 5) để tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, trong đó có việc thực hiện quy trình bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐND thành phố đối với ông Nguyễn Xuân Anh.

48/49 đại biểu đã bỏ phiếu tán thành bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh. Sau kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố thống nhất phân công ông Nguyễn Nho Trung – Phó Chủ tịch HĐND thành phố điều hành hoạt động của cơ quan này cho đến khi có nhân sự mới.

Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM

Chiều ngày 24/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 460/465 đại biểu Quốc hội đồng ý với Nghị quyết trên.

Nghị quyết quy định các chính sách về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách nhà nước, quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Huế: Điều tra vụ lăng mẹ vua Dục Đức bị đào xới nghiêm trọng

lang me vua tu duc 1
Lăng bà Trần Thị Nga (mẹ vua Dục Đức) bị đào xới nghiêm trọng. (Ảnh: P.V.H)

Ngày 19/11, nhiều người trong Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc đến khu vực lăng bà Trần Thị Nga (mẹ vua Dục Đức) để thắp hương thì bàng hoàng phát hiện tấm bia của lăng bị di chuyển ra ngoài, đế bia và thân bia bị đập phá tách rời. Cùng với đó, khu vực đặt tấm bia cũng bị đào phá tan hoang, gạch đất vương vãi nhiều nơi.

Ngày 22/11, lực lượng chức năng thuộc Công an phường Thủy Xuân và Công an TP. Huế đã đến hiện trường để điều tra. Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.

Bà Trần Thị Nga (1832 – 1911) là vợ cuối cùng (thứ bảy) của ngài Kiến Thụy Quận Vương. Bà sinh con trai là Nguyễn Phúc Ưng Chân, sau này là vua Dục Đức trị vì đất nước 3 ngày từ ngày 19 đến ngày 22/7/1883.

Sau 4 đời vua là Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh đến đời vua Thành Thái (tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, trị vì từ 1889 đến 1907) là con thứ 7 của vua Dục Đức, là cháu ruột của bà Trần Thị Nga. Tại đời vua này đã phong cho bà là Đệ Nhất Phủ Thiếp. Sau này kế vị Thành Thái là vua Duy Tân cũng là chắt của bà, nên nhiều người gọi bà là “Thủy tổ 3 vua”.

Bốn trẻ sơ sinh tử vong tại Bắc Ninh: ‘Đây là một sự cố bất thường’

Chiều ngày 21/11, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh có buổi họp báo liên quan đến sự cố 4 trẻ sơ sinh tử vong vào sáng ngày 20/11 tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết 4 trẻ sơ sinh tử vong có thể do nhiễm khuẩn bệnh viện, bắt nguồn từ các nguyên nhân: Nhiễm khuẩn từ tác nhân chăm sóc hàng ngày như bàn tay, hơi thở của người chăm sóc, dụng cụ; Tình trạng quá tải của bệnh viện.

Bộ trưởng Tiến cũng thừa nhận “Đây là một sự cố bất thường khi có 4 bé sơ sinh chết trong cùng một ngày tại cùng một khoa“.

Theo báo cáo ban đầu của Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, tất cả trường hợp tử vong đều là trẻ sinh non (32-34 tuần tuổi), yếu, nhẹ cân (1,6 – 2,3 kg) và kèm bệnh lý bẩm sinh, phải thở máy, nằm lồng ấp.

Quảng Ngãi: Thu hồi toàn bộ gạo cứu trợ lũ lụt kết mảng khi cháy

Ngày 19/11, gia đình chị Hồ Thị Thúy Liễu tại thôn Thọ Lộc Bắc (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) nhận được 10 kg gạo cứu trợ người dân bị lũ lụt. Nghi gạo giả, chị Thúy dùng gạo cứu trợ và gạo nhà chị tự sản xuất – đốt thử để kiểm tra trước sự chứng kiến của người dân và lực lượng chức năng.

Kết quả cho thấy gạo cứu trợ khi đốt bị co lại, bắt lửa rất nhanh, chỉ sau thời gian ngắn đã cháy đen và vón cục. Ngược lại, gạo do gia đình chị sản xuất thì hạt nổ bung, bắt lửa chậm và không có hiện tượng vón cục.

Ngày 23/11, ông Trần Văn Thạch – Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Tịnh (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết lực lượng chức năng xã đã thu hồi toàn bộ số gạo cứu trợtrên.

Các tin tức khác như Hà Nội chi 30 tỷ đồng nạo vét hồ Hoàn Kiếm; BOT Cai Lậy sắp thu phí trở lại; Sài Gòn: Ngày 25/11, tuyến buýt đường thủy số 1 chính thức vận hành; Ninh Thuận: Khởi tố 5 cán bộ công andùng nhục hình đến chết người; Quảng Bình: Miễn nhiệm Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa; Kiểm điểm 12 cán bộ gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén; Xây dựng 654 km cao tốc Bắc Namvới hơn 118.000 tỷ đồng,… tiếp tục là những vấn đề được quan tâm trong tuần qua.

Minh Hợp

Xem thêm: