Từ năm 2016 đến tháng 7/2019, khu vực bờ sông Hậu đoạn qua xã Vĩnh Trường (huyện An Phú) và xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đã xảy ra hơn 10 vụ sạt lở, 1 vụ rạn nứt, với tổng chiều dài hơn 1,3 km, khoảng 40 hộ dân cần di dời khẩn cấp. 

sạt lở sông Hậu
Một điểm sạt lở bờ sông Hậu (tỉnh An Giang). (Ảnh: baoangiang.com.vn)

UBND tỉnh An Giang ra 2 quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu, đoạn qua xã Vĩnh Trường (huyện An Phú) và xã Châu Phong (thị xã Tân Châu).

Theo quyết định, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang khoanh vùng có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; yêu cầu UBND huyện An Phú và thị xã Tân Châu theo dõi diễn biến sạt lở, kịp thời xử lý di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện có tải trọng lớn vào khu vực sạt lở; bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ an ninh trật tự khu vực.

Đồng thời, giao Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình thẩm định và phê duyệt phương án; hạn chế quá trình đào, khoét lòng sông và đường bờ trong đoạn được cảnh báo để giảm thiểu tối đa sạt lở.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tình trạng sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong đang ở mức độ đặc biệt nguy hiểm. Từ năm 2016 đến tháng 7/2019, khu vực này đã xảy ra 6 vụ sạt lở, 1 vụ răn nứt, với tổng chiều dài 1.124 m, 37 hộ dân cần di dời khẩn cấp. Gần đây nhất là vụ sạt lở ngày 22/7, sạt dài 40m, ăn sâu vào đất liền 10m khiến 1 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho thấy địa hình vách lòng sông đoạn qua xã Châu Phong khá đứng, độ sâu thay đổi từ -11 đến -19 từ thượng nguồn về hạ nguồn, chỉ cách bờ từ 30-50m. Nguyên nhân do sự phát triển bãi bồi phía đuôi cồn Vĩnh Trường (bờ đối diện), làm sông chảy qua khúc cua cong, dòng chảy lệch và áp sát bờ gây xâm thực phía cung bờ lõm Châu Phong.

Theo ghi nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tốc độ xâm thực vào bờ từ 5-10 m/năm, từ năm 2012 đến nay, có đoạn sạt lở lấn sâu vào bờ từ 85-100 m, gây thiệt hại lớn về đất đai, nhà cửa. Dự báo, sạt lở tại khu vực này sẽ còn diễn biến phức tạp, do kết cấu bờ yếu, chủ yếu là vật liệu bở rời, vách bờ lại thẳng đứng.

Ngoài ra, khu vực ngã ba sông Châu Đốc, dòng chảy có sự hợp lưu giữa sông Hậu và sông Châu Đốc, nên tạo dòng xoáy đào khoét đáy sông và hố sâu ở khu vực giữa sông, hố có độ sâu -30, chiều dài 130 m, rộng 70 m, dấu hiệu rất nguy hiểm có thể xảy ra sạt lở bất ngờ, với những mảng trượt lớn đối với đoạn bờ phía Châu Phong dài 600 m…

Còn tại huyện An Phú, sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua khu vực này thuộc mức độ đặt biệt nguy hiểm do gây nguy hiểm trực tiếp đến tuyến đê bao tiểu vùng xã Vĩnh Trường bảo vệ 900 ha sản xuất, 3.702 hộ dân, 6 điểm trường học (1 trường mẫu giáo, 4 trường tiểu học, 1 trường THCS), 1 trụ sở UBND xã Vĩnh Trường, 1 Trạm y tế xã và 3 cụm tuyến dân cư.

Đây là tuyến đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn độc đạo, bao quanh cù lao Vĩnh Trường, được đầu tư, hoàn thành năm 2002.

sạt lở sông hậu
Bản đồ địa hình điểm sạt lở bờ sông Hậu, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, tỉnh An Giang. (Nguồn: Tổng cục Phòng chống thiên tai)

Ngày 18/2/2017, tại ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Trường đã xảy ra sạt lở đê, đoạn dài 15 m, ăn sâu vào đất liền 4 m, 2 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Năm 2018, nơi đây tiếp tục xảy ra 4 vụ sạt lở, trong đó, vụ sạt lở ngày 4/9/2018 có chiều dài 222 m, ăn sâu vào đất liền 9 m, sạt lở khoét sâu vào mặt đê và đường giao thông từ 2-3 m.

Khảo sát địa hình đáy sông khu vực sạt lở ở ấp Vĩnh Bình cho thấy,đáy sông có dạng hình chữ U, lệch sang bờ xảy ra sạt lở, độ sâu lòng sông ghi nhận được quanh khu vực này từ -8 m đến -9 m, cách bờ từ 25 m đến 90 m. Dòng chảy chính gần bờ xã Vĩnh Trường. Bên cạnh đó, vách bờ thẳng đứng, kết cấu bờ yếu, do thành phần chính là sét pha cát, bờ sông nằm ven đường giao thông bộ và thủy, thường chịu áp lực của tải trọng, rung chấn và sóng. Các yếu tố trên góp phần phá vỡ liên kết bờ.

Cũng trong ngày 19/8, UBND huyện Châu Phú xác nhận hệ thống kè bằng bao cát bảo vệ quốc lộ 91 (đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ) đã bị trôi ra ngoài sông. Trước đó, ngày 27/7, đoạn đường trên đã xảy ra hiện tượng rạn nứt mặt đường, dài trên 60 m, ăn sâu 1/2 mặt đường dọc theo bờ sông. Sau đó, ngành chức năng tỉnh cho đổ bao cát lấp hố xoáy gây sạt lở, tạo mái dốc để hạn chế sạt lở, bảo vệ phần còn lại của tuyến quốc lộ. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 25 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh.

Đến ngày 18/8, phần cát bơm vào và bao cát tấn bên ngoài đều bị trôi ra ngoài sông. Sang ngày 19/8, phần mặt đường trên quốc lộ tiếp tục xuất hiện vết nứt.

Nguyễn Quân

Xem thêm: