Tháng 1/2018, xăng RON 92 bị “khai tử”; trên thị trường còn xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 được phép sản xuất và kinh doanh. Cuối tháng 4, một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối kiến nghị thị trường chỉ nên tiêu thụ xăng sinh học là E5 RON 92 và E5 RON 95, đồng nghĩa với việc nên tiếp tục đưa xăng RON 95 vào danh sách “khai tử”.

Nhìn ra thế giới, cuộc đua về nhiên liệu sinh học hiện đã phát triển đến thế hệ thứ tư nhằm tạo ra sản phẩm với giá thành ngày càng thấp, giảm phát thải CO2 so với các nhiên liệu khoáng. Ngược lại, đặt trong tình hình thực tế tại Việt Nam, việc phổ biến và chỉ sử dụng xăng ethanol không chỉ gây hại cho môi trường, mà còn làm trầm trọng tình trạng độc quyền của thị trường xăng dầu, gây nguy cơ nhập ngược ethanol về từ Trung Quốc. Điều đáng bàn là ai được lợi đằng sau việc “khai tử” xăng khoáng, mở rộng xăng ethanol?

xang sinh hoc
Dù xăng sinh học đã chính thức đưa ra bán, vẫn chưa có thông báo dòng xe nào phù hợp với loại xăng này, trong khi xăng sinh học chỉ có thể áp dụng cho từng dòng xe cụ thể chứ không phải toàn bộ. (Ảnh minh họa/Gia Bảo)

Công nghệ lạc hậu, giá biến động

Từ cuối những năm 80, thuật ngữ “nhiên liệu sinh học” (biofuel) bắt đầu được đưa sử dụng để chỉ các loại nhiên liệu có khả năng tái tạo (renewable fuels), thân thiện với môi trường, không có nguồn gốc từ dầu mỏ và có thể thay thế dầu mỏ trong tương lai (1). Tới nay, nhiên liệu sinh học đã phát triển đến thế hệ thứ tư. Nhiên liệu sinh học thế hệ thứ nhất được tạo ra từ các nguồn nguyên liệu carbohydrate như gạo, ngô (bắp), lúa mạch, lúa mỳ, sắn (khoai mỳ), củ cải đường…; các loại hạt có dầu như dầu cọ, đậu tương, đậu nành, dầu hạt cải… hoặc từ mỡ động vật.

Tuy làm giảm đáng kể khí CO2 phát thải so với nhiên liệu hóa thạch, nhưng việc khai thác nguồn nguyên liệu này lại làm tăng giá các loại cây trồng này và gây bất ổn lương thực khi quỹ đất trồng cho các loại cây lương thực bị cạnh tranh. Điều này thúc đẩy nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai ra đời.

Nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai chiết xuất từ cellulose – thủy phân và lên men của phế thải nông nghiệp (rơm rạ, thân ngô…), hay các loại cây trồng được trên đất bạc màu, bỏ hoang (cây gỗ ngắn ngày, cỏ switchgrass…).

Nhiên liệu sinh học thế hệ thứ ba được sản xuất từ sinh khối của vi tảo. Đây được coi là một mũi tên trúng nhiều đích khi vừa tạo ra nhiên liệu sinh học, vừa làm sạch môi trường, giảm lượng COtrong quá trình nuôi tảo. Vi tảo dễ trồng, cho hàm lượng dầu cao (trên cùng một đơn vị diện tích, lượng dầu từ tảo nhiều gấp 30 lần lượng dầu từ đậu nành). Hiện giá thành sản xuất dầu tảo vẫn cao hơn nhiều so với sản xuất nhiên liệu diesel từ dầu mỏ (2).

Nhiên liệu sinh học thế hệ thứ tư – theo GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng -, được hiểu là các nhiên liệu tổng hợp hoặc được sản xuất bởi các quá trình chuyển hóa các loại sinh khối khác nhau như: khí hóa, nhiệt phân, tổng hợp Fischer-Tropsch… Các nhiên liệu này được sử dụng trực tiếp không cần thay đổi động cơ và cơ sở hạ tầng (gọi là “drop-in fuel”) nhờ các đặc trưng hóa học giống các sản phẩm dầu mỏ, thậm chí tốt hơn. (3)

Theo Joshua Kagan, nhiên liệu sinh học thế hệ thứ ba và thứ tư, đặc biệt là thế hệ thứ tư, có đủ điều kiện để trở thành nguồn năng lượng chủ đạo thay thế nhiên liệu hóa thạch (3).

Tại Mỹ, nếu như trước năm 2009 chỉ có nhiên liệu sinh học “truyền thống” (được hiểu nguyên liệu từ các nguồn lương thực – thực phẩm) thì từ năm 2015, quy mô sản xuất của loại nhiên liệu sinh học này đã không được mở rộng, duy trì ở mức khoảng 60 triệu tấn/năm. Thay vào đó là sự gia tăng của nhiên liệu sinh học từ cellulose và các nguồn nhiên liệu sinh học tiên tiến khác. Dự kiến tới 2022, sản lượng hàng năm từ nhiên liệu sinh học từ cellulose sẽ vượt sản lượng nhiên liệu sinh học “truyền thống” hiện tại.

Tại Việt Nam, nguyên liệu sản xuất ethanol vẫn chủ yếu từ sắn. Hiện chỉ có hai nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm là nơi sản xuất và cung cấp ethanol duy nhất cho thị trường. Theo tính toán, nếu hai nhà máy ethanol Bình Phước và Dung Quất đi vào hoạt động, với lượng sắn tiêu thụ khoảng 600.000 tấn/năm thì sản lượng sắn trong quy hoạch vẫn đảm bảo đủ cho hai nhà máy này.

Tuy nhiên, thực tế, từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018, giá ethanol đã tăng 5 lần liên tiếp. Giá nguyên liệu tăng cao và tăng bất ổn theo mùa vụ là lý do lãnh đạo công ty giải thích về tình trạng tăng giá liên tục nói trên. Theo lãnh đạo của công ty Tùng Lâm, nếu giá sắn tăng 1.000 đồng thì giá ethanol phải tăng tương ứng là 3.000 đồng (4). Thực trạng trên cho thấy, thậm chí chưa tới mức bị khan hiếm do cạnh tranh với nguồn lương thực, giá nhiên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học của Việt Nam đã biến động khó kiểm soát do tính bất ổn trong sản xuất.

Nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam đã tiếp cận đến công nghệ sản xuất ethanol từ nhiên liệu sinh học thế hệ thứ ba. Song thực tế, nguồn vốn đầu tư trong ngành năng lượng sạch đang bị định hướng theo lối “đi thẳng vào bế tắc”.

“Đắp chiếu” nhà máy ngàn tỷ, xu hướng nhập khẩu ethanol

Hiện trong 7 nhà máy sản xuất ethanol trên cả nước thì có đến 6 nhà máy trong tình trạng dừng hoạt động vì thua lỗ, sản phẩm kém chất lượng.

Ba nhà máy tư nhân (đều sử dụng 100% công nghệ và thiết bị của Trung Quốc) đã dừng hoạt động gồm:

Nhà máy Ethanol Đại Tân (Quảng Nam) có tổng vốn đầu tư 575 tỷ đồng, công suất thiết kết 100.000 tấn ethanol/năm; dừng hoạt động từ năm 2012 do thiếu vốn lưu động (sử dụng sai mục đích) gây thua lỗ kéo dài.

Nhà máy Ethanol Đại Việt (Đắc Nông) có vốn đầu tư 500 tỷ đồng, công suất thiết kế 55.000 tấn ethanol/năm; hoạt động từ năm 2011, đến tháng 4/2013 chính thức dừng hoạt động.

Nhà máy Ethanol Đăk Tô (Kon Tum) có vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng, công suất thiết kế 50.000 tấn ethanol/năm; hoạt động cầm chừng và đóng cửa vào năm 2014. Cả Ethanol Đại Việt và Ethanol Đăk Tô đều bị các doanh nghiệp dừng hợp đồng do sản phẩm ethanol không đạt tiêu chuẩn pha chế xăng E5.

3 nhà máy thuộc sở hữu NN (cùng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều thua lỗ cần xử lý. Cả ba nhập công nghệ của các nước phát triển nhưng sử dụng thiết bị của Trung Quốc.

Nhà máy Ethanol Tam Nông (Phú Thọ) có tổng vốn sau điều chỉnh tăng lên gần 2.500 tỷ đồng (gần gấp 2 lần), công suất 70.000 tấn ethanol/năm, hiện đã dừng thi công từ tháng 11/2011 sau khi khởi công vào tháng 6/2009.

Nhà máy Ethanol Bình Phước có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sau đó đội vốn lên hơn 1.700 tỷ đồng, công suất thiết kế 80.000 tấn/năm, bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2012. Từ tháng 4/2013, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, dự tính mỗi năm lỗ khoảng 200 tỷ đồng do hao mòn máy móc và trả lãi vay.

Được coi là dự án chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, song Ethanol Dung Quất có mặt trong danh sách 13 đại dự án thua lỗ của Bộ Công thương. Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 1.800 tỷ đồng, bị đội vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng. Nhà máy bắt đầu hoạt động từ năm 2014, số tiền lỗ lên tới 164 tỷ đồng. Từ tháng 4/2015, nhà máy tạm dừng sản xuất, đến tháng 3/2016 thì chính thức tạm dừng mọi hoạt động.

Việc chuyển đổi sang khai thác các nguồn nhiên liệu sinh học thế hệ hai, ba càng trở nên khó khăn khi đa số các nhà máy sản xuất ethanol sử dụng thiết bị và vận hành theo công nghệ của Trung Quốc, với số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, gánh nợ đầu tư, nợ do thua lỗ.

Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn lát chính của Việt Nam. Do đó không thể không tính đến kịch bản Việt Nam bán sắn cho Trung Quốc rồi lại nhập ethanol Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh giá ethanol Việt Nam tăng liên tục. Từ tháng 1/2018, thuế nhập khẩu ethanol đã được giảm từ 20% xuống còn 17%. Theo lãnh đạo của Saigon Petro, với mức thuế nhập khẩu 17%, cộng thêm các chi phí khác (như vận chuyển, bảo hiểm…) thì giá ethanol nhập về chỉ tương đương giá bán của Công ty Tùng Lâm, thậm chí còn rẻ hơn một chút… (2)

Với duy nhất một nguồn cung ethanol trong nước, liệu có xảy ra tình trạng độc quyền ép giá xăng sinh học tăng cao? Thực tế, ngay cả khi các công ty kinh doanh xăng dầu đều có quyền nhập khẩu ethanol, thì lo ngại độc quyền, lợi ích nhóm trong ngành xăng dầu đã có sẵn từ trước khi kinh doanh xăng dầu đã là loại hình kinh doanh có điều kiện còn Petrolimex “có vị trí thống lĩnh độc quyền tự nhiên” (3). Với gần 50% thị phần ngành xăng dầu do Petrolimex chi phối, thì thực chất, không có cạnh tranh về giá giữa doanh nghiệp xăng dầu.

Thay vì lưu ý tới chất lượng xăng ethanol, độ tương thích với các dòng xe, các lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối lại quan tâm hơn tới việc điều chỉnh tỷ trọng tiêu dùng giữa xăng khoáng và xăng sinh học.

Dù xăng sinh học đã được đưa ra bán chính thức trên thị trường, vẫn chưa có bất kỳ thông báo dòng xe nào phù hợp với loại xăng này, trong khi xăng sinh học chỉ có thể áp dụng cho từng dòng xe cụ thể chứ không phải toàn bộ.

Song song với đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên kịch trần 4.000 đồng/lít, thì xăng RON 92 bị “khai tử”, xăng RON 95 tiếp tục bị kiến nghị xóa bỏ. Những thay đổi trên luôn được lấy lý do để thân thiện hơn với môi trường. Nhưng với cách đầu tư không giống ai kể trên, rốt cuộc gây thiệt hại lớn về ngân sách và thụt lùi về công nghệ, thì việc chuyển đổi từ xăng khoáng sang xăng sinh học liệu có hoàn toàn vì mục đích môi trường hay thực chất là tận dụng ưu thế “độc quyền” để tận thu, cứu vớt thua lỗ do thất thoát, khi nhân tố cốt lõi để cân nhắc một mặt hàng là yếu tố môi trường và nhu cầu của người tiêu dùng, thì những chiến lược định hướng xăng dầu hiện tại lại đang được thực hiện một phía từ ý chí chỉ đạo của Nhà nước và doanh nghiệp.

Vĩnh Long

Tài liệu trích dẫn:

  1. ThS. Bùi Đình Lãm, Nhiên liệu sinh học, hiện trạng và xu thế phát triển, website ĐH Nông lâm Thái Nguyên – tuaf.edu.vn, ngày 6/10/2014.
  2. ThS. Bùi Đình Lãm, Diesel sinh học từ tảo – NLSH thế hệ thứ 3 – Những tiềm năng và thách thức, website ĐH Nông lâm Thái Nguyên – tuaf.edu.vn, ngày 4/9/2014.
  3. PGS.TS Hồ Sĩ Thoảng, Nhiên liệu sinh học tiên tiến: Hướng phát triển bền vững của nhiên liệu tái tạo, Tạp chí Dầu khí, số 1/2018
  4. Ngọc An, Ethanol tăng giá vì độc quyền, uy hiếp xăng E5?, Báo Tuổi Trẻ, ngày 15/1/2018.
  5. Phạm Tuyên, “Petrolimex độc quyền một cách tự nhiên”, Báo Tiền Phong, ngày 22/9/2011

Xem thêm: