Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã bị chỉ trích vì cách “hỗ trợ như không hỗ trợ” đối với các hãng hàng không đang gặp khó khăn trong dịch viêm phổi Vũ Hán.

COVID-19, hÀN QUỐC
(Ảnh: Ngoc Tran/Shutterstock)

Thị trường vận tải hàng không Việt Nam bắt đầu giảm mạnh từ tháng 2, các hãng hàng không phải cắt một loạt đường bay, nhiều máy bay đành nằm không, chen chúc tìm chỗ đỗ. Doanh thu sụt giảm, cộng với mức thuế phí đắt đỏ khiến các hãng hàng không rơi vào cảnh lao đao, đặc biệt là hãng mới mở như Bamboo Airways. Hãng này đang bị ACV đòi nợ 205 tỷ đồng tiền phí dịch vụ.

Thiệt hại ban đầu của việc dừng khai thác nhiều đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tính toán sơ bộ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Mới đây, để hỗ trợ các hãng hàng không đang gặp khó khăn do dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), ngày 20/3, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã quyết định giảm giá 7 dịch vụ tại các sân bay từ tháng 3 đến tháng 8.

Cụ thể, ACV giảm giá một nửa dịch vụ “dẫn tàu bay”, giảm 10% dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất. Ngoài ra, ACV miễn toàn bộ phí thuê văn phòng với các hãng hàng không dừng bay, giảm 30% cho các hãng vẫn duy trì bay.

Hàng không Việt Nam chính thức tạm dừng đường bay quốc tế

Tuy nhiên, các “hỗ trợ” trên của ACV bị chỉ trích vì không giúp được gì nhiều cho doanh nghiệp. 

Thứ nhất, khủng hoảng dịch bệnh dẫn đến khủng hoảng trong ngành xảy ra từ tháng 2, nhưng mãi đến cuối tháng 3, ACV mới tính tới việc hỗ trợ. Từ tháng 2, Vietnam Airlines đã phải để 40% máy bay “đắp chiếu” và giảm lương từ lãnh đạo tới nhân viên.

Thứ hai, khoản phí lớn nhất mà doanh nghiệp hàng không phải trả là phí sân đậu tàu bay. Mức phí này ở mức 32.000 đồng/tấn/ngày. Với trọng lượng máy bay từ 77 – 200 tấn/chiếc, tính ra các hãng hàng không phải trả cho phí đỗ 3 triệu đồng/ngày/máy bay. Các hãng trung bình mất từ nửa tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/tháng cho riêng loại phí này. Thế nhưng, đây là loại phí ACV hoàn toàn không miễn giảm. 

Các dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất – cũng chiếm đáng kể trong chi phí hiện tại của các hãng hàng không – thì chỉ được giảm 10%.

Thứ ba, ACV thông báo giảm 50% phí dẫn tàu bay, nhưng hiện tại phần lớn máy bay đều đang nằm không, thì việc giảm này hoàn toàn không thiết thực.

Thứ tư, dịch vụ được giảm nhiều nhất là miễn 100% phí dịch vụ thuê văn phòng đại diện nếu các hãng dừng bay và giảm 30% với các văn phòng còn lại cũng không mang nhiều ý nghĩa, bởi hầu hết hoạt động của các văn phòng đại diện mà doanh nghiệp thuê của ACV đều đã đóng cửa.

Như vậy, việc giảm 7 loại dịch vụ của ACV thực chất không có nhiều tác dụng tích cực với các hãng hàng không khi những khoản phí lớn nhất mà doanh nghiệp phải gánh chịu thì không được giảm hoặc giảm rất ít. 

Hiện ACV là công ty được độc quyền khai thác các dịch vụ hàng không tại 22 cảng hàng không ở Việt Nam. Nhiều nhà phân tích đã cho rằng việc duy trì vị thế độc quyền của ACV không còn phù hợp với xu thế thế giới và chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân của Nhà nước, gây bất công với các nhà đầu tư tiềm năng khác, cũng như bất công với các hãng hàng không và hành khách sử dụng dịch vụ.

Có bình luận còn nói rằng, việc ACV giảm giá cho các hãng hàng không giống như giá xăng giảm khi người dân ít ra đường, còn người dân ở nhà nhiều vì dịch bệnh thì giá điện lại tăng.

Theo báo cáo tài chính năm 2019, doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đạt 19.293 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 8.343 tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, ACV nắm giữ lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi) khoảng hơn 31.000 tỷ đồng.

Thanh Thuỷ (t/h)

Xem thêm: