Ngày 7/7, Văn phòng Chính phủ gửi văn bản số 7144/VPCP-KSTT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân.

84-phan-anh-kien-nghi-cua-nguoi-dan-dn-la-ve-hanh-vi-cua-cac-co-quan-nn
Làm thủ tục hành chính tại Sở GTVT Bình Dương (Ảnh minh họa/FB Sở GTVT Bình Dương)

Theo đó, trước kết quả của việc tiếp nhận,  lxửý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân trên trang web nguoidan.chinhphu.vn trong quý 2/2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Ngoài ra, các lãnh đạo nêu trên phải chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh việc xử lý phản ánh, kiến nghị và trả lời của các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Đối với 5 địa phương, gồm TP Hà Nội, TP.HCM, Thái Bình, Sóc Trăng, Kiên Giang, chậm trễ trong xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải chấn chỉnh.

Trước đó, từ ngày 4/4/2017, Cổng thông tin tương tác – trang web nguoidan.chinhphu.vn – bắt đầu tiếp nhận ý kiến của người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan Nhà nước. Người dân có thể gửi ý kiến phản ánh và kiến nghị về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, không đồng bộ… hoặc phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà của hệ thống công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính…

Theo báo cáo của VPCP, trong quý 2/2017, hệ thống tiếp nhận ý kiến của người dân và doanh nghiệp –  đã tiếp nhận 782 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý (tức đã lọc). Trong đó, 84% (656/782) là phản ánh, kiến nghị về hành vi, 16% (126/782) phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính.

Ngành, lĩnh vực có nhiều phản ánh, kiến nghị nhất là tài nguyên và môi trường (239/782, tương ứng 31%). Tiếp đến là ý kiến liên quan tới các chế độ lao động, thương binh và xã hội (88/782, tương ứng 11%), xây dựng (35/782, tương ứng 4%).

Trong tổng số 782 phản ánh, kiến nghị, mới chỉ 291 phản ánh, kiến nghị (37%) được chuyển đến các bộ, ngành, địa phương để xem xét, xử lý. 491 phản ánh, kiến nghị (63%) đang đề nghị người dân cung cấp bổ sung thông tin làm cơ sở xem xét, chuyển xử lý theo thẩm quyền.

Trong số 291 kiến nghị, phản ánh đã chuyển, tính đến ngày 28/6/2017, 118 phản ánh, kiến nghị (40,5%) đã được các bộ, ngành, địa phương xem xét, trả lời và được đăng tải trên trang web. 173 phản ánh, kiến nghị còn lại (59,5%) đang được các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xem xét, xử lý.

Báo cáo của VPCP cho biết số phản ánh, kiến nghị được trả lời đúng hạn chỉ chiếm 40,5%. Tính đến ngày 28/6, có 6 bộ và 17 địa phương quá hạn, chưa có văn bản trả lời, đứng đầu là TP Hà Nội (22/22 phản án, kiến nghị), TP.HCM (24/30), Thái Bình (2/2), Sóc Trăng (2/2), Kiên Giang (3/5)…

Cũng theo VPCP, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã xem xét, xử lý kiến nghị của ông Lê Văn T. về chế độ chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng cho bà Nguyễn Thị Loan, đã tiến hành kiểm điểm và buộc thôi việc đối với cán bộ làm thất lạc hồ sơ của bà Loan; Cục thuế TP Hải Phòng xem xét, xử lý kiến nghị của ông Đào Văn Bình về việc cán bộ chi cục thuế huyện An Dương gây phiền hà trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, đã tiến hành kiểm điểm, phê bình và chuyển công tác đối với công chức có hành vi gây phiền hà cho người dân…

Nguyễn Quân

Xem thêm: