Theo IOM Việt Nam, 83,9% di dân trong nước của Việt Nam có độ tuổi từ 15 – 39 tuổi. Trong khi đó, đối với người di cư ra nước ngoài, Việt Nam khung chính sách quốc gia để bảo vệ sức khỏe người di cư.

lao động nhập cư, di cư lao động
Một người trẻ bán dừa nước trên đường phố TP.HCM, 2014. (Ảnh: xuanhuongho/Shutterstock)

Tại hội thảo tăng cường sức khỏe người di cư ở Việt Nam do Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và IOM Việt Nam tổ chức ngày 10/12, IOM Việt Nam cho hay di dân trong nước của Việt Nam có cả khung tuổi dưới thành niên, độ tuổi từ 15 – 39 tuổi chiếm đến 83,9% tổng số người di cư. Đáng chú ý, hiện tỷ lệ nữ di dân đang tăng (52,4%).

Tình trạng di cư trong nước có liên quan mật thiết với tình trạng kinh tế của nơi đến. Đông Nam Bộ, TP.HCM, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hà Nội là nơi thu hút lượng người di cư lớn nhất, trong khi đó những vùng kinh tế khó khăn như trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỉ lệ người di cư thấp nhất cả nước.

Về tình trạng di cư ra nước ngoài, theo IOM Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 10/2019, khoảng hơn 100.000 người Việt đã di cư đến các quốc gia khác, tập trung chủ yếu tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Rumani, Ả rập… Lý do thường là đi lao động, du học, nhận con nuôi, kết hôn…

Các chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng những người di cư được xác định là nhóm dễ tổn thương, dễ gặp phải những vấn đề bất lợi khi thiếu tiếp cận các dịch vụ y tế và thiếu bảo vệ tài chính cho sức khỏe.

Những vấn đề về sức khỏe người di cư thường gặp là nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, sốt rét, sốt xuất huyết, trầm cảm và các hành vi lối sống không lành mạnh.

Khi gặp vấn đề về sức khỏe bắt buộc cần đến cơ sở y tế,  người di cư vấp phải nhiều rào cản như về thể chế, chính sách, về tài chính, về nhận thức và hỗ trợ xã hội. Nhiều người di cư không có thẻ bảo hiểm y tế do không có hộ khẩu đăng ký tạm trú. Có người có bảo hiểm y tế nhưng nghĩ rằng không sử dụng được tại nơi di cư do mua bảo hiểm y tế ban đầu tại nơi ở cũ nên quay về quê để khám, chữa bệnh.

TS Brett Dickson, Trưởng bộ phận Chương trình, IOM Việt Nam cho hay các tiêu chuẩn và công ước quốc tế về quyền con người đã được đưa ra để bảo vệ quyền của người di cư và người tị nạn, bao gồm cả quyền đối với sức khỏe của người di cư.

Hiện Việt Nam chưa có kế hoạch hành động cũng như các khung chính sách quốc gia để thúc đẩy bảo vệ sức khỏe người di cư. Để tăng cường sức khỏe cho người di cư Việt Nam, một số kiến nghị cho rằng ngành Y tế cần phát triển hệ thống kiểm dịch hiệu quả hơn để xác định người di cư mắc bệnh truyền nhiễm để chữa trị và điều trị kịp thời.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – TS Cao Hưng Thái cho biết hiện nay trên thế giới, ước tính có khoảng 1 tỷ người di cư, chiếm 1/7 dân số thế giới, trong đó 258 triệu người di cư quốc tế và 763 triệu người di cư nội địa.

68 triệu người di cư trong nước và quốc tế trên thế giới bị buộc phải di dời khỏi nhà của họ.

Tại Việt Nam, theo báo cáo về Di cư ở Việt Nam của Tổ chức Di cư Quốc tế năm 2016, ước tính có khoảng 2,6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ di cư nội địa là 13.6%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2015.

Nguyễn Quân

Xem thêm: