Với tổng ngân sách 625.000 euro, Plan International Việt Nam sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 32.000 trẻ bảo trợ và 250.000 người dân thuộc nhóm các tộc người thiểu số.

tre em toc thieu so
Hai đứa trẻ Hmong tại Sapa, Lạng Sơn, ngày 4/3/2020. (Ảnh: OlegD/Shutterstock)

Trong diễn biến dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), các tộc người thiểu số gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ, các phương tiện truyền thông số để tiếp cận các thông tin về dịch bệnh.

Theo đó, để hỗ trợ người dân và các cấp chính quyền địa phương, các cấp đối tác và cộng đồng trong tình hình dịch bệnh, Tổ chức Plan International Việt Nam đã khởi động dự án “Bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số trước dịch bệnh COVID-19”.

Dự án được bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 9/2020. Với tổng ngân sách là 625.000 euro (khoảng 16 tỷ đồng), dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 32.000 trẻ bảo trợ và 250.000 người dân trong cộng đồng do Plan bảo trợ.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất, năng lực cho cán bộ chuyên môn tại các mảng liên quan tại các trạm y tế, trường học, ngoài ra đưa thông tin để ngăn ngừa dịch bệnh cho trẻ em và gia đình thuộc các tộc người thiểu số.

Plan International là một tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng do nhà báo John Langdon-Davies và công nhân tị nạn Eric Muggeridge thành lập năm 1937.

Hoạt động của Plan International nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em, ưu tiên trong lĩnh vực y tế công cộng, giáo dục, cư trú và các vấn đề sinh kế, hiện đang hoạt động trên 48 quốc gia. Có khoảng 1,5 triệu trẻ em và gia đình của các em đang hưởng lợi từ các chương trình của tổ chức.

Tổ chức hoạt động chủ yếu tại các nước đang phát triển ở Trung và Nam Mỹ, châu Phi và Nam và Đông Nam Á với hơn 6.000 nhân viên và hơn 50.000 tình nguyện viên.

Tại Việt Nam, Plan International hiện đang hỗ trợ trực tiếp cho 32.000 trẻ bảo trợ đều thuộc nhóm các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa tại 66 xã thuộc 13 huyện 5 tỉnh trên cả nước, gồm Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum.

Nguyễn Sơn