Thừa nhận công tác phòng chống thiên tai thực sự chưa được bài bản, đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 47 người chết, 130 người bị thương do dông lốc, mưa lũ, sạt lở…, thiệt hại về kinh tế cao gấp 7 lần cùng kỳ.

lu lut lao cai 1
Mưa lớn, lũ cuốn tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, thị xã Sa Pa và TP Lào Cai. (Ảnh: baolaocai.vn)

Theo báo cáo công bố ngày 6/7, Tổng cục Phòng chống thiên tai trong 6 tháng đầu năm 2020, tại Việt Nam đã xảy 16 loại hình thiên tai (186 trận dông, lốc, mưa lớn; đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL…).

Đáng chú ý, dông, lốc, mưa đá ngoài xảy ra liên tiếp, trên diện rộng tại khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, còn xảy ra tại một số nơi chưa từng xảy ra như TP.HCM.

Cơ quan này cho biết trong 6 tháng, trong thiên tai, 47 người chết, 130 người bị thương.

Về tài sản, 1.765 nhà bị sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (54.793ha thiệt hại do hạn mặn ĐBSCL; 16.956ha bị thiệt hại do hạn hán tại Nam Trung Bộ; 36.643ha bị thiệt hại do mưa lớn, dông lốc); 7.955 con gia súc, gia cầm chết. Ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.383 tỷ đồng.

So với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019, số người chết trong 6 tháng đầu năm 2020 đang cao gấp 1,6 lần (29 người chết và mất tích), thiệt hại về kinh tế cao gấp 7 lần (hơn 464 tỷ đồng).

Đợt 1 từ ngày 24 – 25/1 (đêm 30, sáng mùng 1 Tết Nguyên đán) xảy ra tại 9 tỉnh, thành phố phía Bắc đến Thanh Hóa, làm 13.833 nhà bị hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại khoảng 133 tỷ đồng.

Đợt 2 từ ngày 2 – 4/3 xảy ra tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc, làm 2 người chết, 16 người bị thương, 7.317 nhà bị hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 56,5 tỷ đồng.

Đợt 3 từ ngày 17 – 18/3 xảy ra tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc, làm 3.192 nhà hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 14,06 tỷ đồng.

Đợt 4 từ ngày 21 – 25/3 xảy ra tại 11 tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An, làm 2 người chết; 5.757 nhà bị hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 107,5 tỷ đồng.

Đợt 5 từ ngày 10 – 12/4 xảy ra tại 3 tỉnh miền núi phía Bắc (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai), làm 2 người bị thương; 812 nhà hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 35 tỷ đồng.

Đợt 6 từ ngày 12 – 14/4 xảy ra tại 4 tỉnh Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên), làm 37 nhà bị hư hại, tốc mái, 19.810ha lúa bị gãy đổ, trong đó riêng Thừa Thiên – Huế là 10.769ha; tổng thiệt hại ước tính 185 tỷ đồng.

Đợt 7 từ ngày 22 – 24/4 xảy ra tại 17 tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, làm 6 người chết, 37 người bị thương; 13.006 nhà hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 147,7 tỷ đồng.

Đợt 8 từ ngày 5 – 9/5 xảy ra tại 11 tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An, làm 1 người chết, 17 người bị thương; 9.890 nhà bị hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 109,5 tỷ đồng.

Đợt 9 từ ngày 15 – 18/5 xảy ra tại 11 tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh, làm 2 người chết, 4 người bị thương; 2.774 nhà bị hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 20,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, 87,4km bờ sông, bờ biển bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm; hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khốc liệt tại ĐBSCL…

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết công tác phòng chống thiên tai hiện nay thực sự chưa được bài bản, nguy cơ rủi ro thiên tai còn rất là lớn, thiệt hại nặng về người và tài sản. Trong khi đó, việc lập kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai của các Bộ ngành, địa phương thì chậm.

Ngoài ra, các kế hoạch để giảm nhẹ thiên tai vẫn triển khai chậm như: Chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; Chiến lược quốc gia Phòng chống giảm nhẹ thiên tai đến 2030, tầm nhìn 2050; Đề án 1002; Dự án xây dựng Trung tâm chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai quốc gia; chưa được cấp nguồn vốn trung hạn để nâng cấp các vị trí đê điều xung yếu…

Còn khoảng 11 – 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong 6 tháng cuối năm

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT dẫn thông tin cho biết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định trong 6 tháng cuối năm, xuất hiện khoảng 11 – 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới.

Trong đó, có khoảng 5 – 6 cơn đổ bộ vào đất liền, bão muộn, cường độ lớn, dịch chuyển vào phía Nam. Đây là khu vực có cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm phòng chống bão hạn chế.

Ngoài ra, mưa lũ đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar đang có nguy cơ gây mưa lũ lớn tại Việt Nam.

Gần đây nhất, mưa to, dông, lốc, sét, sạt lở đất… xảy ra trong 3 ngày 1-3/7 khiến Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai tiếp tục có người bị lũ cuốn mất tích, chân đập sạt lở, nhà ngập… Trong hai ngày 2-4/7, tỉnh Lào Cai ước tính thiệt hại trên 10 tỷ đồng.

Nguyễn Quân