Trong đó, số trẻ bị bạo lực là 51 trẻ (49 vụ); xâm hại tình dục: 29 trẻ (23 vụ); mua bán: 7 trẻ (2 vụ); trẻ em bị bỏ rơi/bỏ mặc: trẻ em là 235 trẻ (235 vụ).

xam hai tinh duc tre em
4 năm, Hà Nội có 322 trường hợp trẻ em bị xâm hại. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Ngày 27/8, Đoàn Giám sát của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống, xâm hại trẻ em tại Hà Nội.

Tại buộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết tính từ ngày 1/1/2015 đến tháng 6/2019, thành phố có 322 trẻ em bị xâm hại, trong đó: bạo lực là 51 trẻ (49 vụ); xâm hại tình dục: 29 trẻ (23 vụ); mua bán: 7 trẻ (2 vụ); trẻ em bị bỏ rơi/bỏ mặc: trẻ em là 235 trẻ (235 vụ).

Qua tổng hợp, khu vực xảy ra các hành vi xâm hại thường là tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ. Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để đạt được mục đích của mình. Đa phần đối tượng xâm hại trẻ em là người có mối quan hệ thân quen với trẻ em. Trong các hình thức xâm hại trẻ em thì nghiêm trọng nhất là xâm hại tình dục trẻ em.

Thủ đoạn của đối tượng là lợi dụng lòng tin của trẻ em, lợi dụng sự hồn nhiên, trong sáng, không cảnh giác của trẻ/cha mẹ trẻ để thực hiện các hành vi xâm hại. Trẻ em trong các gia đình thiếu vắng sự quan tâm chu đáo của cha mẹ (có thể cha mẹ ly hôn, cha mẹ làm ăn xa nên sống với ông bà, người thân; có thể trẻ sống trong các gia đình có vấn đề về xã hội…), trẻ em thiếu kỹ năng sống nói chung và kỹ năng tự bảo vệ nói riêng là các trẻ em mà đối tượng xâm hại trẻ hướng đến.

Hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em là tổn thương theo các mức độ khác nhau về thể chất, tinh thần, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sự phát triển bình thường của trẻ về tâm lý, giới tính…

Bên cạnh đó, hậu quả mà hành vi này gây ra cho xã hội là ảnh hưởng đến trật tự trị an xã hội, sự tấn công trực diện đến các nền tảng đạo đức của xã hội, gây tâm lý hoang mang, mất lòng tin, lo sợ trong dư luận xã hội.

Đánh giá của UBND TP. Hà Nội cho thấy tình hình xâm hại trẻ em diễn biến hết sức phức tạp (độ tuổi trẻ bị xâm hại, đối tượng xâm hại trẻ, tính chất mức độ nghiêm trọng của các vụ xâm hại).

Về nguyên nhân, cơ quan chức năng nhận định Hà Nội là đô thị lớn, dân cư đông đúc, tỷ lệ dân nhập cư tăng nhanh, trong đó có nhiều đối tượng hình sự và thành phần dân cư phức tạp. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Bên cạnh đó, nhận thức vấn đề bảo vệ trẻ em của một bộ phận người dân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn hạn chế; công tác quản lý trẻ em trong gia đình, nhà trường còn chưa chặt chẽ. Nhiều gia đình tập trung làm ăn kinh tế, sao nhãng, bỏ mặc trẻ em hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân, mắc các tệ nạn xã hội…dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường chưa được đầu tư; các thành viên trong gia đình, giáo viên chưa có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Từ đó, lãnh đạo Hà Nội kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xem xét, điều chỉnh chế tài xử phạt với một số tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ trẻ em để đảm bảo nguồn lực cơ bản ở các cấp nhất là cấp xã trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với trẻ em.

Lãnh đạo thành phố kiến nghị TAND tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể như thế nào là hành vi dâm ô, hành vi quan hệ tình dục khác để có các cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ để xử lý các vụ việc này trong tương lai.

Hoàng Minh

Xem thêm: