Đến cuối năm 2016, khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn còn khoảng 2,5 triệu người không có nước sạch, dù tỷ lệ người có nước sạch để dùng đã tăng 3,3% so với năm trước.

1/3 dân số Hà Nội đang không có nước sạch để dùng (2,5 triệu người trên tổng số 7,588 triệu người theo số liệu năm 2015). (Ảnh minh họa/dẫn qua ohtrading.net)
2,5 triệu người, tức 1/3 dân số Hà Nội đang không có nước sạch để dùng (trên tổng số 7,588 triệu người theo số liệu năm 2015). (Ảnh minh họa/dẫn qua ohtrading.net)

Số liệu do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố.

Ngoài ra, cũng theo trung tâm, mục tiêu là đến năm 2020, 100% dân số ngoại thành của Hà Nội sẽ có nguồn nước sạch để sử dụng. Tuy nhiên điều này được đánh giá là khó thực hiện.

Hiện tại, không chỉ ở khu vực các huyện phía Tây thành phố mới sáp nhập về Hà Nội mà ngay cả các huyện của Hà Nội cũ như Đông Anh, Sóc Sơn, tại nhiều nơi, người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt, da liễu…

Thiếu nước sạch tự nhiên rất khác với việc thiếu nước sạch do nguồn nước bị ô nhiễm. Thiếu nước sạch tự nhiên chủ yếu đến từ hạn hán hoặc do thiếu các quy trình lọc nước. Thiếu nước sạch do nguồn nước bị ô nhiễm chủ yếu do tác nhân từ con người, khiến nước không thể sử dụng hoặc gây hại lâu dài do thành phần tính chất của nước đã bị thay đổi.

Theo kết quả dự án điều tra do Bộ Tài nguyên và Môi trường thưc hiện, công bố vào đầu năm 2015, làng Lũng Vị (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) và làng Thống Nhất (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là hai làng có chất lượng nước sinh hoạt thấp nhất Việt Nam. Đây là hai làng đứng đầu trong danh sách 10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất.

Tại Hà Nội, hiện có 4 dòng sông thoát nước chính là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Nhuệ và sông Sét. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn mét khối nước thải từ nhiều cụm công nghiệp, hàng chục làng nghề và nước thải sinh hoạt của người dân không qua xử lý đổ trực tiếp xuống khiến cả 4 dòng sông đều trở thành những dòng “sông độc”, “sông chết”.

Được biết đối với sông Nhuệ, cách đây khoảng 20 năm, nước sông Nhuệ vẫn được dùng để tưới tiêu, nước sạch vẫn còn dùng để sinh hoạt. Giờ đây nước sông Nhuệ hoá màu đen đặc, không có đối lưu, mùi xú uế lúc nào cũng bốc lên nồng nặc.

Sông Nhuệ bị ô nhiễm được cho là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm tại một số địa phương ven sông như Cự Khê (Thanh Oai), Tiền Phong (Thường Tín), Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), Đông Lỗ (Ứng Hòa)…. Theo Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, chất lượng nước tại các khu vực này đều không đạt tiêu chuẩn. Nhiều mẫu nước lấy từ giếng khoan với độ sâu 40-50m vẫn có mùi hôi.

Nguyễn Quân

Xem thêm: