Ngày 22/12, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đã cấp giấy chứng nhận kiểm định tạm thời cho 13 đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) để phục vụ công tác vận hành thử.

duong sat cat linh ha dong
Một nhà ga của hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Ảnh: Sơn Trà)

Theo Cục Đăng kiểm, các đoàn tàu được kiểm định từ tháng 9/2018, đến nay đã hoàn thành. Việc cấp giấy chứng nhận kiểm định tạm thời cho các đoàn tàu nhằm phục vụ công tác vận hành thử hệ thống. 

Giấy chứng nhận kiểm định chính thức sẽ được cấp sau khi kết thúc vận hành thử và được tổ chức đánh giá độc lập về an toàn đường sắt đô thị cấp giấy chứng nhận an toàn cho hệ thống đường sắt này.

Tuy vậy, do tổng thầu chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết nên công tác vận hành thử chưa diễn ra như kế hoạch.

Phòng Đường sắt thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết việc kiểm tra các đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được thực hiện theo quy chuẩn quốc gia của Bộ GTVT về kiểm tra, nghiệm thu toa xe khi sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, bao gồm 23 hạng mục kiểm tra ở trạng thái tĩnh và có cấp điện, kiểm tra vận hành trên tuyến.

Theo quy định, dự án đường sắt đô thị xây dựng mới phải được đánh giá, chứng nhận về an toàn hệ thống bởi một tổ chức tư vấn độc lập. Sau đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định hồ sơ an toàn và cấp giấy chứng nhận thẩm định mới đủ điều kiện đưa vào khai thác, vận hành chính thức.

>> Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Chưa chốt được thời gian hoàn thành

Hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn còn 3% thiết bị chưa lắp đặt dù khối lượng xây dựng đã hoàn thành. nên chưa thể khai thác.

Tuyến Cát Linh – Hà Đông hiện có chiều dài 13km, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD) từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Tổng thầu EPC do phía Trung Quốc chỉ định (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc).

Dự án sau đó được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD). Qua nhiều lần hứa hẹn, đến nay, dự án vẫn chưa đủ an toàn để khai thác thương mại, khiến nhiều người bức xúc.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan tới dự án như Tổng thầu thiếu kinh nghiệm, thiết kế cơ sở sơ sài,… Đặc biệt, dự án còn chi sai tới gần 3.000 tỷ đồng. Số tiền chi sai chủ yếu do chủ đầu tư tính sai khối lượng, sai đơn giá, nhiều hạng mục xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị chưa phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

Tuấn Minh

Xem thêm: