Sau những ồn ào về tính minh bạch trong công tác thu phí, vốn đầu tư, thời gian hoàn vốn, 11 trạm BOT trên các tuyến quốc lộ và cao tốc sẽ bị giám sát.

dem xe bot ninh loc
Thời gian vừa qua, một nhóm người đã đếm thủ công số lượng xe qua trạm BOT Ninh Lộc nhằm minh bạch số tiền thu, vốn đầu tư và thời gian thu tại trạm. (Ảnh cắt từ clip)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Cục Quản lý Đường bộ I, III, IV lập kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thu phí tại các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ và cao tốc.

Theo đó, Cục Quản lý Đường bộ I được giao lập kế hoạch kiểm tra, giám sát các trạm thu phí: Phả Lại, Km231890, Quốc lộ 18; Tam Nông, Km67+300, Quốc lộ 32, tỉnh Phú Thọ; cầu Thái Hà; Tiên Cựu, Km41, Quốc lộ 10 và trạm thu phí Km11+625, Quốc lộ 38.

Cục Quản lý Đường bộ III lập kế hoạch kiểm tra, giám sát: Trạm thu phí Km1807+500, đường Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Nông; trạm thu phí Km1747, đường Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Lắk.

Cục Quản lý Đường bộ IV lập kế hoạch kiểm tra, giám sát các trạm: Cầu Rạch Miễu; cầu Cổ Chiên; cầu Mỹ Lợi và trạm thu phí Km1661+600, tỉnh Bình Thuận.

Tổng cục Đường bộ yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ tổ chức triển khai, thông báo kết quả kiểm tra, giám sát hoàn thành trong quý II/2019 và báo cáo về Tổng cục.

Cơ quan phối hợp thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động thu phí cùng với các Cục Quản lý đường bộ gồm Cục Thuế các tỉnh, thành phố nơi đặt trạm thu phí BOT và đại diện Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an – nếu có).

Trước đó, ngày 18/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí Dầu Giây (thuộc tuyến cao tốc Long Thành Dầu Giây) – khi dư luận nghi ngờ về tính minh bạch trong việc thu phí sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm này vào mùng 3 Tết Kỷ Hợi.

Qua kết quả kiểm tra cho thấy số tiền thu phí của các ca trùng khớp đúng với báo cáo của VEC.

Gần đây nhất, tại trạm BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa), một nhóm hơn 10 người đã tổ chức đếm thủ công số lượng xe qua trạm để làm rõ số tiền thu, vốn đầu tư, thời gian thu tại trạm. Một người trong nhóm cho rằng mỗi ngày trạm thu về 1 tỷ đồng, như vậy thời gian hoàn vốn dự án chỉ là 7 năm 2 tháng, nhưng chủ đầu tư lại công bố là 21 năm 8 tháng.

Sau đó, phía chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa cho rằng những thông tin trên là không chính xác và đề nghị Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ thành lập đoàn kiểm tra về tình hình thu phí của trạm trong thời gian ba tháng, trong đó có mời chính quyền địa phương và người dân tham gia, nhằm công khai, minh bạch doanh thu thu phí.

Kim Long

Xem thêm: