Hiện có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao. Ngoài ra, còn 19.900 người là lao động hợp đồng cho 18 bộ ngành, 46 địa phương.

tinh gian bien che
(Ảnh minh họa: Human resources)

Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, sáng nay (30/10), Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Theo báo cáo số 392/BC-CP ngày 22/9/2017 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao có 16 vấn đề chồng chéo, giao thoa, đan xen; 2 vấn đề còn bỏ trống; 4 vấn đề cần tăng cường phối hợp.

Chính phủ cho hay đến nay vẫn còn 3 vấn đề còn có sự giao thoa và 9 vấn đề cần có sự phân công, phối hợp quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Các vấn đề giao thoa này sẽ được Chính phủ tập trung khắc phục trong quá trình hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Về kết quả sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, báo cáo cho biết Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 có 30 cơ quan, gồm: 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ; 8 cơ quan thuộc Chính phủ.

So với Chính phủ khóa XI, bộ máy tổ chức giảm được 8 đầu mối, cụ thể: giảm 4 Bộ, cơ quan ngang Bộ (do hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương; hợp nhất Bộ Thủy sản và Bộ NN&PTNT thành Bộ NNPTNT; hợp nhất Bộ Văn hóa – Thông tin với Ủy ban Thể dục Thể thao thành Bộ VHTTDL và giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em); giảm 4 cơ quan thuộc Chính phủ (chuyển Tổng cục Du lịch vào Bộ VHTTDL quản lý; chuyển Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ quản lý).

Ngoài các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nêu trên, hiện còn có một số tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương (đã đưa về Ban Nội chính Trung ương); các Ban chỉ đạo hoạt động theo hình thức tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu.

Theo báo cáo, so với trước tháng 7/2011, từ tháng 8/2016 đến 31/12/2016, số Tổng cục và tổ chức tương đương giảm từ 41 xuống còn 40; tăng 9 Vụ và tương đương (từ 258 tăng lên 267); các Cục thuộc Bộ tăng từ 105 lên 134; số Đơn vị sự nghiệp là 133 đơn vị (tăng 7 đơn vị).

Các tổ chức hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện bao gồm: 1.182 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (tăng 34 cơ quan so với trước tháng 7/2011); 8.794 phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (tăng 92 phòng); 1.095 chi cục thuộc cơ quan chuyên môn (tăng 11 chi cục); 8.854 phòng chuyên môn cấp huyện (tăng 198 phòng).

Cũng theo báo cáo, ngoài các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện nêu trên, ở cấp tỉnh còn có một số tổ chức hành chính khác được thành lập theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gồm: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND, đến cuối nhiệm kỳ 2011-2016 được tách thành hai văn phòng: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (thành lập năm 2015 theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội năm 2014) và Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thành lập năm 2016 theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015); 64 Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu trực thuộc UBND cấp tỉnh; Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh (nay chuyển về Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương).

Theo báo cáo, tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập đến nay khoảng 86.000 đơn vị. Trong đó, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tính đến ngày 31/12/2016 là 1.109 đơn vị, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương là 55.104 đơn vị (486 đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh, 10.217 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 44.401 cơ quan thuộc UBND cấp huyện).

Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện (thuộc khối Chính phủ quản lý) năm 2017 là 269.084. Hiện có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao. Ngoài ra, còn 19.900 người là lao động hợp đồng cho 18 bộ ngành, 46 địa phương. Số tiền lương để chi trả cho biên chế công chức thuộc khối Chính phủ quản lý không thể hiện trong báo cáo.

Tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương được giao năm 2016 là 2.093.313 người (tăng 121.736 người so với năm 2011).

Tính đến tháng 12/2016, số cán bộ, công chức cấp xã và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 1.272.807 người với tổng quỹ lương 32.404,788 tỷ đồng/năm (đã bao gồm BHXH và tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng).

Báo cáo của Chính phủ nhận định tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, tuy giữ ổn định nhưng tăng về đầu mối tổ chức bên trong của bộ, cơ quang ngang bộ, nhiều tầng nấc trung gian,…

Nhật Minh

Xem thêm: