Thủ tướng Ý hôm Chủ nhật (8/3) loan báo các biện pháp cách ly trên diện rộng, hạn chế đi lại với khoảng 1/4 dân số đất nước trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Thu tuong Y
Thủ tướng Ý họp báo về chính sách phong tỏa miền Bắc để ngăn virus nCoV (youtube)

Hai ngày cuối tuần qua thực sự là “ác mộng” với người Ý, khi họ phải chứng kiến số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 liên tiếp tăng vọt ở mức độ lớn nhất từ trước tới nay. Hôm thứ Bảy, chính phủ loan báo hơn 1.200 ca nhiễm mới và 36 người tử vong trong vòng 24 giờ, con số được xem là mức gia tăng hằng ngày lớn nhất từ khi dịch bệnh bùng phát 15 ngày trước đó. Đến Chủ nhật thì tình hình còn tồi tệ hơn, số người chết tăng thêm 133 người và có tới gần 1.500 người nhiễm mới, theo thống kê của worldometers. Chính quyền tại Rome đã ngay lập tức phải hành động trong sự e dè của cả Châu Âu.

Thủ tướng Giuseppe Conte đã ký một sắc lệnh ngay trong đêm Chủ nhật, phong tỏa toàn khu vực Lombardy và ít nhất 15 tỉnh với tổng cộng số dân khoảng 16 triệu người. Biện pháp cách ly này sẽ có hiệu quả đến ngày 3/4.

Đối với Lombardy và các tỉnh miền bắc khác mà tôi đã liệt kê trong danh sách, sẽ có lệnh cấm bất kỳ ai đi ra và vào các lãnh thổ này và cũng như hạn chế di chuyển bên trong các khu vực này”, ông Conte nói. “Ngoại lệ chỉ được cho phép đối với nhu cầu y tế chuyên nghiệp có thể được chứng minh, các trường hợp đặc biệt và vấn đề sức khỏe khẩn cấp”.

Theo lệnh của ông Conte, Rome áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm trọng lên toàn vùng Lombardy nơi mà Milan là thủ phủ. Đây là khu vực đông dân, giàu có nhất của Ý, là thủ đô về kinh tế, thời trang và truyền thông của cả nước. Ngoài ra, 15 tỉnh khác bị cách ly đều là các tỉnh giàu có ở phía Bắc, trong đó có Venice và nhiều phần của khu vực Emilia Romagna. Khu vực 16 triệu dân này nhanh trong trở thành tâm dịch COVID-19 của toàn Châu Âu, và số lượng người chết cùng các ca nhiễm bệnh tăng lên chóng mặt. Riêng hôm Chủ nhật, ít nhất 133 người báo cáo tử vong do nhiễm virus, khiến tổng số lượng các ca tử vong tăng lên 366 người; 7.353 người đã được xác nhận nhiễm nCoV.

Tại khu vực cách ly, Ý ra lệnh cấm tất cả các sự kiện tập trung đông người, tức là không được tổ chức lễ cưới, đám tang, hòa nhạc, thi đấu thể thao, khiêu vũ, cờ bạc hay lễ Mét cho đến tận ngày 3/4.

Trên toàn quốc, chính phủ hạ lệnh đóng cửa toàn bộ rạp hát, rạp chiếu phim, sân khấu nhạc kịch, thư viện, bảo tàng, cũng như cách ly bất kỳ ai được đo thân nhiệt trên 37,5 độ C. Tuần trước, Ý cũng đóng cửa toàn bộ trường học, cơ sở chăm sóc trẻ, trường đại học cho tới sớm nhất là giữa tháng Ba. Giáo hoàng Francis hôm Chủ nhật đã thực hiện buổi cầu kinh Angelus hằng tuần qua Video từ thư viện của Vatican chứ không phải theo thông lệ là từ cửa sổ của tòa tháp nhìn xuống quảng trường Thánh Peter.

“Tôi sẽ sử dụng một lối biểu cảm mạnh mẽ. Vị Giáo hoàng này đang bị cầm tù trong thư viện”, Giáo hoàng nói.

y corona virus
Các địa điểm nổi tiếng ở Ý vắng bóng du khách vì dịch COVID-19 (Ảnh: Youtube)

Thành phố Venice đã hủy bỏ lễ hội Carnival, một lễ hội rất quan trọng hằng năm của thành phố du lịch này. Ngày càng nhiều chính phủ các quốc gia khác cảnh báo người dân không nên tới Ý, hiện đang là ổ dịch lớn nhất của Châu Âu. CNBC cho hay Ý đang có khả năng phải đối mặt với suy thoái kinh tế do ngành du lịch thất thu trầm trọng. Tỷ lệ khách ở phòng khách sạn ở thành phố Venice chỉ còn 1 đến 2 phần trăm.

Mặt của Kênh đào Lớn ở Vernice trông sáng như gương bởi vì các con tàu chở hàng trên sông không còn ở đó. Trên một tàu bus chở khách, chỉ có 5 đến 6 người”, phó chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Venice Stefania Stea nói, theo CNBC.

Tối Chủ nhật, người Ý và khách du lịch tại Padua, vùng Veneto bất an và nhốn nháo trước lệnh phong tỏa diện rộng của chính phủ. Các quán bar và nhà hàng vốn đông khách trở nên trống trơn khi mọi người ồ ạt chạy ra ga tàu để rời đi. Khách du lịch đeo khẩu trang và xách hành lý chen lấn nhau trên đường ra ga, CNBC mô tả.

Trong buổi họp báo tối Chủ nhật, Thủ tướng Conte cho hay hệ thống y tế của Ý có rủi ro “quá tải”. Ông khuyên người Ý không nên rời nhà nếu không thật cần thiết, cần để ý kỹ sức khỏe của thành viên cao tuổi trong nhà. Antonio Presenti, người đứng đầu cơ quan phản ứng khủng hoảng vùng Lombardy nói với tờ Corriere Della rằng hệ thống y tế của khu vực của ông, hệ thống tốt nhất của cả nước, đang “trên bờ vực sụp đổ” và thậm chí họ phải tiến hành chữa trị cho bệnh nhân khẩn cấp tại các hành lang bệnh viện.

Đức Trí

Xem thêm: