Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 30/1 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng toàn cầu do lo ngại quốc tế về bùng phát virus corona mới. 

Embed from Getty Images

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo hôm 30/1 cho hay: “Lo ngại lớn nhất của chúng tôi là khả năng virus [corona mới] lây lan tới các nước có hệ thống y tế yếu kém hơn, và các nước không sẵn sàng để đối phó với nó.

Được biết, trước tuyên bố hôm 30/1, trong quá khứ WHO mới chỉ 5 lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

WHO mô tả động thái này là “một sự kiện bất thường được xác định là gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan của bệnh dịch quốc tế và có khả năng cần phải có một phản ứng quốc tế phối hợp”.

Thời điểm WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, số ca nhiễm virus corona mới đã lên gần 8.000 người, lây lan tới ít nhất 18 quốc gia và số nạn nhân tử vong tăng lên 170.

>>CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (30/1)

Động thái này của WHO sẽ kích hoạt các hướng dẫn ngăn chặn và chia sẻ thông tin chặt chẽ hơn tới tất cả các quốc gia, nhưng có thể làm thất vọng Trung Quốc khi nước này bày tỏ tự tin có thể khống chế virus chết người này.

Các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến các trường hợp lây nhiễm virus corona mới từ người sang người bên ngoài Trung Quốc, điều này cho thấy khả năng cao virus có thể lây lan nhanh chóng hơn nữa. Cho tới 30/1, Mỹ đã trở thành nước thứ tư báo cáo về các trường hợp bệnh nhân nhiễm virus corona mới do lây từ người sang người.

Theo Reuters, ông Jeremy Farrar – giám đốc Wellcome Trust nói rằng quyết định của WHO là “tuyệt đối đúng đắn”.

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế chắc chắn sẽ khiến các chính phủ gia tăng tập trung bảo vệ công dân,” ông Farrar nói. Những biện pháp sức khỏe cộng đồng cần thiết sẽ là “thách thức” cho tất cả các quốc gia, nhưng sẽ đặc biệt khó khăn đối với những nước thu nhập thấp, ông Farrar nói thêm.

Trung Quốc kiểm duyệt người dân và báo chí

Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York, Mỹ trong một báo cáo xuất bản hôm 30/1 đã chỉ ra rằng chế độ Bắc Kinh “đã đang cố gắng kiểm soát dòng tin tức liên quan tới dịch [virus corona mới]”.

HRW cho biết các nhà chức trách Trung Quốc đã đang kiểm duyệt nhiều bài báo và các bài đăng trên mạng xã hội thông tin về dịch bệnh. Hơn nữa, giới chức Trung Quốc cũng đã ra lệnh cho các nhân viên y tế không được trả lời phỏng vấn truyền thông, trong khi các nhà báo bị ngăn cản đưa tin.

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng không cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho công dân ở các khu vực bị cô lập. Chẳng hạn, một người đàn ông bị ung thư sống gần thành phố Vũ Hán đã không thể tiếp cận thuốc điều trị, HRW báo cáo.

Báo cáo của HRW cũng kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc phải ra lệnh cấm phân biệt đối xử và quấy rối người Vũ Hán đang cư trú trong các tỉnh khác.

Vi phạm nhân quyền hàng chục triệu người trong nỗ lực đối phó với bùng phát virus corona sẽ là tác dụng ngược,” nhà nghiên cứu của HRW về Trung Quốc Wang Yaqiu nói.

Philippines, Ấn Độ báo cáo những trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona 

Bộ Y tế Ấn Độ hôm 30/1 thông báo rằng một sinh viên đang theo học Đại học Vũ Hán đã nhiễm virus corona mới tại Kerala – bang miền tây nam Ấn Độ.

Bộ Y tế nói rằng bệnh nhân này đã ổn định và đang được theo dõi chặt chẽ trong khu vực cách ly tại một bệnh viện.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque III nói rằng một phụ nữ Trung Quốc 38 tuổi tới từ Vũ Hán đã nhiễm virus corona mới.

Giới chức Philippines cho biết người phụ nữ Trung Quốc nêu trên đến Manila từ Hồng Kông vào ngày 21/1 và đã tới một bệnh viện địa phương để kiểm tra sức khỏe vào ngày 25/1 khi có triệu chứng ho nhẹ.

Xuân Thành