Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO Mike Ryan nói trong cuộc họp báo ở Geneva ngày 18/2 rằng hiện không có dấu hiệu và không có gì cho thấy có một ca COVID-19 ở Triều Tiên. 

1280px The statues of Kim Il Sung and Kim Jong Il on Mansu Hill in Pyongyang april 2012
Người dân Bắc Triều Tiên trước tượng đài của hai nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il (Ảnh: Wikipedia)

Triều Tiên có chung 1.500 km đường biên giới đường bộ với Trung Quốc và hiện chưa thông báo ca nhiễm COVID-19 nào, trong khi dịch bệnh đã lan sang ít nhất 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Đã có một số tin đồn về các ca nhiễm dọc biên giới, cũng như trong Triều Tiên, theo truyền thông Hàn Quốc, nhưng không được nhà nước Triều Tiên xác nhận.

Trong một cuộc phỏng vấn trên Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên ngày 18/2, Bộ trưởng Y tế Triều Tiên O Chun Bok khẳng định Triều Tiên không có bệnh nhân nào nghi nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, ông O nói điều này có thể dẫn đến sự bất cẩn về vệ sinh trong dân chúng.

Xác nhận điều trên, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO Mike Ryan nói trong cuộc họp báo ở Geneva ngày 18/2 rằng hiện không có dấu hiệu và không có gì cho thấy có một ca COVID-19 ở Triều Tiên. 

“Không có lý do để tin rằng có bất kỳ vấn đề cụ thể nào đang diễn ra ở Triều Tiên,” ông Mike Ryan nói thêm, khẳng định WHO sẽ cung cấp cho Triều Tiên thêm các trang thiết bị phòng thí nghiệm để tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán.

Triều Tiên xử tử quan chức bị cách ly theo dõi virus corona

Theo các nhân viên làm công tác cứu trợ, hệ thống chăm sóc sức khỏe lỗi thời của Triều Tiên hoàn toàn không được trang bị đủ để đối phó với chủng virus corona mới.

Ông Kee Park, một giảng viên trường Y thuộc Đại học Harvard đã thực hiện hơn mười chuyến công tác nhân đạo tới Bắc Triều Tiên, nói rằng quốc gia này đang phải đấu tranh để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh với một hệ thống chăm sóc sức khoẻ cũ kỹ và thiếu thốn, một phần do ảnh hưởng của lệnh cấm vận quốc tế nhằm vào các chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

“Có lẽ họ chỉ có thể phát hiện và điều trị cho một số ít người, còn không hệ thống chăm sóc y tế sẽ sớm quá tải,” ông Park nói. “Rất khó để nhập khẩu những vật tư y tế trọng yếu; còn những trang thiết bị quan trọng khác nếu hỏng cũng không thể sửa chữa do rất khó để mua linh kiện.”

Ông Nagi Shafik, nguyên quản lý dự án của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại văn phòng Bình Nhưỡng, cho biết vật tư y tế tại Triều Tiên được trang bị nghèo nàn, và sẽ cần thêm khẩu trang, thuốc kháng virus và kháng sinh.

“Tôi cho rằng họ còn cần nhiều thứ hơn, đặc biệt là dụng cụ làm sạch và khử trùng,” ông Shafik nói. “Tôi nhớ rõ là nhiều phụ nữ và trẻ em bị suy dinh dưỡng; nó ảnh hưởng lên hệ miễn dịch của họ và có thể khiến họ dễ bị lây nhiễm hơn.”

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (LHQ), hơn 40% dân số Bắc Triều Tiên thường xuyên thiếu ăn.

 > Vì sao chuyên gia WHO không đến Hồ Bắc trong chuyến khảo sát Trung Quốc?

Tuần trước, Uỷ ban Chế tài của LHQ cho biết sẵn lòng tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo quốc tế hỗ trợ Triều Tiên chống dịch, cho phép miễn trừ lệnh cấm vận để nhập khẩu các thiết bị y tế như xe cứu thương, máy khử trùng và máy chụp X-quang.

Đại diện WHO tại Triều Tiên Ceniza Salvador cũng cho biết WHO đang làm việc với nước này để ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh, và theo yêu cầu của họ đã cung cấp hoá chất cho việc xét nghiệm virus và các trang thiết bị như kính bảo hộ, găng tay, khẩu trang, áo choàng.

“Cũng như các nước khác, Triều Tiên đang thực thi các biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho người dân,” ông Salvador nói.

Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến dịch bệnh, cấm tất cả các tour du lịch bằng đường sắt và đường bộ với Trung Quốc và áp đặt lệnh cách ly một tháng với tất cả người nước ngoài tới từ đất nước láng giềng.

Bình Nhưỡng đã thực hiện những chế tài tương tự trong các đợt bùng phát Ebola, MERS hay SARS trước đây. Các biện pháp này được xem như dấu hiệu về nỗi lo sợ của chính quyền Kim Jong-un trước một cuộc khủng hoảng y tế có thể đe doạ tính hợp hiến cho sự thống trị của họ.

Tuy vậy, truyền thông Hàn Quốc nhận định Triều Tiên dưới thời thống trị của gia tộc nhà họ Kim không có tự do thông tin, rất khó để xác minh tình hình trong nước.

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: