Quan chức luật pháp hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Hai (11/5) nói rằng Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus không có quyền mời Đài Loan tham gia cuộc họp trong tháng này của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) – cơ quan ra quyết định của WHO. 

Embed from Getty Images

Ông Steven Solomon, luật sư của WHO hôm thứ Hai (11/5) đã tuyên bố rằng Tổng giám đốc Tedros không có quyền mời Đài Loan dự họp WHA bởi vì các quốc gia thành viên WHO không ủng hộ việc này.

Nói một cách dễ hiểu, các tổng giám đốc chỉ đưa ra lời mời khi các quốc gia thành viên rõ ràng ủng hộ việc làm đó, từ đó các tổng giám đốc mới có trách nhiệm, mới có cơ sở để làm như vậy. Tuy nhiên, bây giờ, tình hình không như thế. Thay vì ủng hộ rõ ràng, thì lại có những quan điểm khác nhau trong các quốc gia thành viên [WHO] và không có cơ sở nào, không có quyền hạn nào cho tổng giám đốc Tedros đưa ra lời mời”, ông Solomon nói với báo giới hôm 11/5.

Chính phủ Đài Loan lập tức đưa ra phản ứng gay gắt đối với phát biểu của ông Solomon. Đài Loan lưu ý rằng lãnh đạo WHO là nhân vật có quyền cao nhất của tổ chức này và vì thế ông ta có quyền mời bất cứ ai ông ta muốn tham gia các sự kiện của tổ chức.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou nói với báo giới rằng: “Thực tế, Tổng giám đốc WHO thực sự có quyền tùy ý mời các quan sát viên tham gia WHA”. Ông Ou yêu cầu WHO cần phải “trung lập và chuyên nghiệp” về vấn đề này và chỉ trích WHO và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ký “thỏa thuận bí mật” vào năm 2005 để loại Đài Loan ra khỏi tổ chức y tế thế giới. Thỏa thuận này được cho là đã yêu cầu WHO phải xin phép ĐCSTQ về bất kỳ hành động nào liên quan tới Đài Loan vì cơ quan này công nhận Đài Loan là một tỉnh nằm dưới sự cai trị của chế độ Bắc Kinh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Ba (12/5) đã xác nhận có bản ghi nhớ giữa WHO và Trung Quốc, nhưng khẳng định nó không có gì bí mật. Ông Triệu chính là người đã từng tuyên bố virus corona do Quân đội Mỹ đưa vào thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Ông Triệu nói: “Thứ nhất, chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và khu vực Đài Loan là một phần không thể thay đổi của lãnh thổ Trung Quốc. Không cần thiết Trung Quốc phải ‘đặt Đài Loan là một phần của Trung Quốc’ bằng việc ký kết bản ghi nhớ với bất kỳ tổ chức quốc tế nào. Thứ hai, không có gì là bí mật trong bản ghi nhớ được ký giữa chính phủ Trung Quốc và WHO năm 2005”.

Ông Triệu không nêu chi tiết trong bản ghi nhớ 2005 đó có nội dung gì và liệu nó có hay không yêu cầu WHO phải xin phép Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Ông Triệu chỉ nói rằng bản ghi nhớ đã cho phép WHO “không bị cản trở” liên lạc với Đài Loan. Tuy nhiên, sau đó WHO đã không cho Đài Loan tham gia vào các cuộc họp của WHA từ năm 2016 và vừa qua đã phớt lờ các thông tin quan trọng về virus corona mà Đài Loan gửi cho tổ chức này trong nhiều tháng.

Cho dù ông Solomon không thừa nhận, thì thực tế đang ngày càng gia tăng sự đồng thuận trong số các quốc gia thành viên WHO xung quanh việc mời Đài Loan dự cuộc họp trực tuyến trong tháng này của WHA. Bộ Ngoại giao Đài Loan tuần này đã xác nhận rằng 13 quốc gia công nhận chủ quyền Đài Loan, nhiều nước trong số đó tại Mỹ Latinh và Caribbean đã chính thức yêu cầu WHO mời Đài Loan tham gia phiên họp của WHA.

Mỹ mặc dù không công nhận Đài Loan là quốc gia độc lập chính thức, nhưng cũng mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ kết nạp Đài Loan vào WHO.

Thượng viện Mỹ hôm thứ Hai (11/5) đã thông qua dự luật kêu gọi Ngoại trưởng Mike Pompeo lập kế hoạch chiến lược để đưa Đài Loan vào WHO, ít nhất là với tư cách quan sát viên. Dự luật này cũng yêu cầu cho phép Đài Loan tham gia WHA.

Úc, New Zealand và Nhật Bản cũng đã bày tỏ ủng hộ Đài Loan gia nhập WHA.

WHO trong tuần trước nói rằng hai quốc gia thành viên tổ chức này đã yêu cầu WHO tổ chức một cuộc thảo luận chính thức về việc mời Đài Loan tham gia sự kiện tháng này của WHA, nhưng WHO không nêu tên hai quốc gia này.

Xuân Thành (Theo Breitbart News)

Xem thêm: