Ngày 29/12/2022, The Washington Post từng đưa tin quân Kyiv đã dùng HIMARS “bắn thử nghiệm” vào đập Nova Kakhovka —con đập vừa bị sập hôm qua— để có được các đánh giá rõ hơn trong khi lên kế hoạch cho chiến dịch phản công của mình. Bài báo từ năm ngoái này được nhắc lại vào thời điểm mà “tại sao đập Kakhovka bị sập” trở thành chủ đề đặc biệt mẫn cảm.

Andriy Kovalchuk
Đại tướng Andriy Kovalchuk của chính quyền Kyiv, người đã cho dùng HIMARS tấn công đập thủy điện Nova Kakhovka để phục vụ cho kế hoạch chiến dịch phản công. (Ảnh: Bộ chỉ huy tác chiến Ukraine miền Nam)
230607 wapo 02
(Ảnh chụp màn hình bài báo)

Đây là nguyên văn đoạn tường thuật của tờ báo:

“Kovalchuk cân nhắc [việc tạo ra] lũ lụt trên sông. Ông nói, người Ukraine thậm chí đã tiến hành một cuộc tấn công thử nghiệm bằng bệ phóng HIMARS vào một trong những cửa xả lũ ở đập Nova Kakhovka, tạo ra 3 lỗ trên kim loại để xem liệu nước của sông Dnepr có thể dâng lên đủ để cản trở các giao lộ của Nga, nhưng đồng thời không gây ngập lụt cho các thôn làng gần đó hay không.

Kovalchuk chia sẻ rằng cuộc thử nghiệm đã thành công, nhưng [nói rằng] bước này là phương án cuối cùng.”

Đại tướng Andriy Kovalchuk của chính quyền Kyiv là người phụ trách về khu vực chiến trường phía Nam, nơi con đập Kakhovka gần 70 tuổi vẫn an tọa lâu nay trên dòng sông Dnepr từ thời Liên Xô.

Như Washington Post đưa tin, để phục vụ cho việc lên kế hoạch cho chiến dịch phản công —điều được nhắc tới từ tháng 11 năm ngoái— giới chức Kyiv đã tiến hành dùng HIMARS của Mỹ “bắn thử nghiệm” để xem có thể tạo ra một trận ngập nước đủ để gây bất lợi cho Nga, nhưng không gây ra tai nạn lũ lụt phá hoại.

Theo tuyên bố của giới chức Kyiv, thì thử nghiệm đã thành công. Và họ đã đưa phương án tác chiến này vào trong kế hoạch của chiến dịch như là một “phương án cuối cùng” (nghĩa là chỉ khi vào trường hợp vạn bất đắc dĩ —chẳng hạn như quân Kyiv đang thua hoặc không sao giành được chiến thắng— thì mới dùng tới phương án này).

  • Đoạn video của The Guardian lấy từ trang Izvestiya của Nga cho thấy khoảnh khắc một vụ nổ lớn làm rung chuyển đập Nova Kakhovka ở Kherson hồi tháng 11 năm 2022.

Trong tình hình hiện nay, đập Kakhovka đã sập rồi, tai nạn lũ lụt đã xảy ra, đồng thời các cộng đồng cả trong và ngoài nước đều cực lực lên án hành động này, và —đương nhiên— không bên phe nào đứng ra chịu trách nhiệm, đồng thời đổ lỗi cho nhau, trong tình huống như vậy, bài báo cáo của Washington Post đã được tìm ra, và khiến cư dân mạng có một số phán đoán.

Một phán đoán —căn cứ theo tình huống đập Kakhovka bị sập khiến cả 2 phe Nga và Ukraine chịu thiệt hại— ấy là con đập tự sập. Dù sao con đập này cũng đã ‘cao tuổi’ rồi, giờ không chịu được các cuộc “bắn thử nghiệm” và thiếu người chăm sóc, nên đến lúc thì tự hỏng mà thôi.

Một phán đoán khác —căn cứ theo kế hoạch của chính quyền Kyiv như tờ báo đưa tin— thì quân Kyiv cảm thấy đã đến lúc phải dùng đến “phương án cuối cùng” rồi, vì lý do nào đó, cho nên đã ra lệnh công phá đập, chỉ có điều họ làm hơi quá tay, nên tạo thành một thảm họa như vậy.

Các phán đoán không phải là tình hình thực tế, và cũng không được kiểm chứng. Chúng được đưa ra trong thời điểm mà rất khó có được các bằng chứng thực tế do tình hình chiến tranh đang diễn ra.

Nhật Tân