Đầu năm 2019, hàng loạt kênh truyền thông uy tín của quốc tế đồng loạt đưa tin xoay quanh vấn nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Sau BBC, ForbesThe Guardian, ngày 5/2/2019, tờ Wall Street Journal đăng tải bài viết “The Nightmare of Human Organ Harvesting in China” (Tạm dịch: Cơn ác mộng thu hoạch nội tạng người tại Trung Quốc), một lần nữa nhấn mạnh việc ĐCSTQ đang hậu thuẫn cho việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm, bao gồm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Phật giáo Tây Tạng, các thành viên Cơ đốc giáo không đăng ký với chính quyền, và các thành viên nhóm khí công Pháp Luân Công.

Wall Street Journal cho biết, vào năm 2010, số lượng người tình nguyện hiến tạng được công bố chính thức tại Trung Quốc là 34. Cho đến năm 2018, theo số liệu được chính quyền Trung Quốc công bố, mới chỉ có 6.000 người tình nguyện hiến tạng, cung cấp 18.000 nội tạng. Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng thực sự ở nước này lại lớn hơn rất nhiều.

Wall Street Journal dẫn báo cáo “Bloody Harvest | The Slaughter: An Update” (Tạm dịch: Thu hoạch đẫm máu | Đại thảm sát: Bản cập nhật 2016) của các nhà điều tra độc lập cho biết, chỉ tính riêng tại một bệnh viện ghép tạng là bệnh viện Thiên Tân số 1, số lượng ca ghép tạng hàng năm đã là 6.000. Đây chỉ là một trong số 712 bệnh viện được phép thực hiện cấy ghép gan và thận. (Xem thêm về Phóng sự điều tra bệnh viện Thiên Tân số 1 của đài Chosun Hàn Quốc)

Wall Street Journal: "Cơn ác mộng" thu hoạch nội tạng người tại TQ
Quy mô Bệnh viện Trung tâm Số 1 Thiên Tân.

Thời gian chờ đợi tạng phù hợp tại Trung Quốc cũng vô cùng ngắn ngủi: vài ngày cho tới vài tuần. Trong khi đó, trên thế giới, dù là ở những nơi có hệ thống hiến tạng hiện đại, phát triển, không bị gò bó bởi phong tục tập quán chôn cất, thì thời gian chờ đợi vẫn là nhiều năm.

Số liệu cấy ghép mà chính quyền Trung Quốc công bố là không thống nhất, ít hơn nhiều so với số liệu thực tế. Dựa theo nghiên cứu của mình, các nhà điều tra độc lập ước tính rằng có từ 60.000 đến 100.000 nội tạng được cấy ghép hàng năm tại các bệnh viện Trung Quốc. Các kết quả trong báo cáo “Bloody Harvest | The Slaughter: An Update” là tin cậy vì chúng đều có thể kiểm chứng thông qua số liệu chính các bệnh viện ghép tạng công bố công khai trên trang web của mình. Một số vẫn đang được đăng tải, một số đã được các nhà điều tra lưu ghi lại thông qua trang lịch sử internet: Archive.org.

Như vậy, phải có một nguồn nội tạng khác nằm ngoài số liệu hiến tạng tự nguyện 18.000 được công bố.

Trước đây, sau khi không thể phủ định số liệu ghép tạng bị phát hiện, chính quyền Trung Quốc từng thừa nhận họ lấy nội tạng từ tử tù. Mặc dù Trung Quốc không công bố công khai số liệu tử tù bị hành quyết hàng năm, nhưng các tổ chức nước ngoài nghiên cứu và ước tính được rằng số lượng tử tù tại Trung Quốc chỉ là vài nghìn người. Bên cạnh đó, bất cứ tử tù nào bị lĩnh án tử hình cũng sẽ bị hành quyết trong vòng 7 ngày. Trong khi đó, các bệnh nhân ghép tạng tới Trung Quốc lại có thể ghép tạng “theo nhu cầu” từ vài ngày cho tới vài tuần, không cần quan tâm tới thời gian chờ. Đó là chưa kể tới việc các tử tù thường có nhiều người mang bệnh truyền nhiễm, không thích hợp làm nguồn cung tạng.

Bên cạnh đó, vào năm 2015, Trung Quốc từng tự nhận là quốc gia có hệ thống hiến tạng lớn nhất châu Á, và đã dừng sử dụng nội tạng từ tử tù. Tuy nhiên khác với các nước có hệ thống hiến tạng tiên tiến, hệ thống hiến tạng của Trung Quốc là không công khai, không thể kiểm chứng. Trung Quốc chỉ công bố số liệu ghép tạng của mình mà không đưa ra chứng cứ cụ thể.

Loại trừ được nguồn tạng từ tử tù, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng chính các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc mới là nguồn cung nội tạng chủ yếu cho ngành công nghiệp ghép tạng tại Trung Quốc.

Hàng chục bằng chứng từ các góc độ khác nhau đã được các nhà điều tra đưa ra. Một bằng chứng khó có thể chối cãi mà Forbes từng đề cập vào đầu năm 2019 là bản ghi âm các cuộc điện thoại tới 12 bệnh viện khác nhau, tại các thành phố lớn thuộc 11 tỉnh thành của Trung Quốc. Trong các băng ghi âm, nhiều người thuộc cấp giám đốc hoặc chủ tịch của các bệnh viện ghép tạng đều thừa nhận rằng họ có sử dụng nội tạng của tù nhân lương tâm.

Một số bác sĩ từng làm việc tại Trung Quốc cũng đã đứng ra làm chứng cho việc thu hoạch nội tạng. Đơn cử như bác sĩ Enver Tohti, từng là bác sĩ phẫu thuật tại Tân Cương, đã đứng ra làm chứng tại nghị viện Anh, nghị viện châu Âu về việc ông đã trực tiếp mổ nội tạng sống từ một tù nhân nhận án tử hình vào năm 1995.

Israel, Đài Loan và Tây Ban Nha đã trực tiếp cấm các công dân của mình tới Trung Quốc ghép tạng. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc từng kêu gọi Trung Quốc công bố nguồn nội tạng nhưng không được hồi đáp.

Wall Street Journal cũng dẫn kết quả của Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Theo đó, đầu tháng 12/2018, luật sư Anh Quốc uy tín hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế Geoffrey Nice tuyên bố trong tòa án độc lập rằng: “Chúng tôi chắc chắn không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn”.

Minh Nhật

Xem thêm: