Vụ công ty khai thác dữ liệu Cambridge Analytica có thể đã lạm dụng dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook tại Mỹ trong mùa tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 đang tạo ra cơn bão truyền thông đối với vấn đề bảo mật cá nhân và quyền riêng tư trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, một làn sóng chính trị khác cũng được giới truyền thông cánh tả tung ra một cách song song, và được dùng như phương tiện mới nhất để tấn công tính chính đáng trong chiến thắng của Tổng thống Donald Trump, một sự kiện đối với nhiều người vẫn là không tưởng.

Vụ bê bối của Facebook đã khiến quảng cáo chính trị trên mạng xã hội hiện trở thành một thứ “nghệ thuật hắc ám”, theo tờ The Guardian. “Dữ liệu và Mối đe dọa tới nền Dân chủ” là dòng tiêu đề thẳng thừng trên BBC. Theo một tác giả của cột xã luận tờ Philadelphia Inquier, tương tác thích (like) trên Facebook đã giúp Trump “ăn cắp chiến thắng bầu cử”. Tại Mỹ, các nhà lập pháp Mỹ đang kêu gọi điều tra Facebook và chính quyền Anh thì đang xin trát tòa để bố ráp văn phòng của Cambridge Analytica.

Cambridge Analytica được chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump thuê để giúp chiến lược truyền thông trên mạng xã hội.

Tuy nhiên không có một gợn sóng nào, chứ đừng nói là cơn phẫn nộ như trên, vào năm 2012, khi mà tổ chức tranh cử của ông Obama cũng thu hoạch dữ liệu người dùng quy mô lớn trên Facebook. Quy mô của chiến dịch này, theo mô tả của một phụ tá cấp cao của ông Obama là “gây sốc cho cả Facebook”. Mặc dù chiến dịch thu gom dữ liệu người dùng của ông Obama thì ai cũng biết, nhưng giọng điệu đưa tin trên truyền thông thì khác hẳn so với ông Trump, thậm chí là còn ca ngợi. Hoàn toàn không có ai dám, dù chỉ gợi ý rằng, cách làm của ông Obama cấu thành “mối đe dọa cho nền dân chủ”.

obama mark
Tổng thống Obama bắt tay CEO Facebook Mark Zuckerberg trong buổi nói chuyện tại trụ sở của Facebook năm 2011 (Ảnh: Gary Reyes/Mercury News)

Tờ The Guardian khi đó có một bài viết với tiêu đề tươi vui là “Obama, Facebook và Sức mạnh của tình bằng hữu: Cuộc bầu cử của dữ liệu năm 2012”. Chính tờ báo này giải thích rằng chiến dịch của ông Obama đã khai thác dữ liệu từ những cử tri mà họ không hay biết như thế nào.

Tờ báo này mô tả:  

Trung tâm [của chiến dịch] là một trái tim đang đập duy nhất – một cơ sở dữ liệu máy tính tổng hợp, nơi thu thập và lọc dữ liệu của hàng triệu cử tri trung thành, hoặc tiềm năng đối với ông Obama. Dữ liệu này sau đó sẽ cho phép nhân viên và những người tình nguyện trong mọi cấp độ của chiến dịch tranh cử – từ các chiến lược gia cấp cao có liên lạc trực tiếp với quản lý chiến dịch của Obama là Jim Messina tới những người gõ cửa vận động cấp thấp nhất tại Ohio. Cơ sở này giúp họ mở ra khối kiến thức về từng cá nhân cử tri và sử dụng nó để nhắm trúng các thông điệp được cá nhân hóa mà họ hy vọng sẽ huy động được cử tri ở những nơi quan trọng nhất”.

Khi một người tình nguyện muốn giúp đỡ – chẳng hạn đề nghị tổ chức tiệc gây quỹ cho ông Obama- người này sẽ được yêu cầu đăng nhập vào một trang web với thông tin tài khoản Facebook của họ. Điều này sau đó sẽ khởi động Facebook Connect – một giao diện số dùng để chia sẻ thông tin người dùng với bên thứ ba.

Dù có biết hay không, người tình nguyện sẽ bơm toàn bộ thông tin được lưu trữ công khai trên trang Facebook của họ – như địa chỉ nhà, ngày sinh, sở thích, và đặc biệt là mạng lưới bạn bè – bơm thẳng vào trung tâm cơ sở dữ liệu của ông Obama”.

“Nếu bạn đăng nhập bằng Facebook, chiến dịch của ông Obama kết nối với bạn và với toàn bộ quan hệ của bạn”, một nhân viên tổ chức chiến dịch số của Obama nói”.

Trước đó, người đứng đầu mảng xử lý dữ liệu của trong chiến dịch của ông Obama, bà Carol Davidsen nói rằng chiến dịch tranh cử của ông Obama đã có thể kéo dữ liệu từ “toàn bộ đồ thị xã hội” ở nước Mỹ.

“Chúng tôi thực sự đã có thể kéo ra toàn bộ mạng lưới xã hội của Mỹ trên Facebook, tức là bao gồm hầu hết người dân”, Davidsen nói trong một phát biểu năm 2015.

Mọi việc bắt đầu phức tạp khi nó khiến Facebook hoảng sợ và họ đã đóng tính năng này lại”.  

Theo giải thích của bà Davidsen thì các ứng viên Đảng Cộng hòa đã không lấy được dữ liệu này, trong khi “Đảng Dân chủ có nó vĩnh viễn”.

Tôi là một thành viên Đảng Dân chủ, vì thế tôi có thể nói đây là một điều tuyệt vời. Nhưng thực ra thì không phải, nhìn từ tổng thể quá trình. Điều này đã không được suy nghĩ thấu đáo và bây giờ tồn tại sự bất lợi của thông tin mà theo tôi là không công bằng”.

Việc này không phải là bí mật. Tờ The Guardian đưa tin về nó năm 2012, và Davidsen công khai nói về nó trong nhiều năm qua. Nhưng  điều lạ là chỉ sau khi chiến thắng của ông Donald Trump trong đó có đóng góp của chiến dịch vận động số hóa với tham gia của Cambridge Analytica, thì truyền thông Hoa Kỳ mới khiến người đọc hoảng sợ về ảnh hưởng của Facebook đối với bầu cử.

Gần đây Davidsen còn tiết lộ rằng đại diện của Facebook đã tới thăm văn phòng chiến dịch tranh cử của ông Obama sau cuộc bầu cử 2012, tại đó họ đã thừa nhận cho phép chiến dịch ông Obama đặc quyền tiếp cận vào nền tảng của Facebook.

Facebook ngạc nhiên về việc chúng tôi có thể kéo ra toàn bộ đồ thị xã hội, nhưng họ không ngăn chúng tôi lại khi họ nhận rằng chúng tôi đang làm gì”, Davidsen viết trên Twitter.  

Họ tới văn phòng vài ngày sau khi bầu cử và rất thẳng thắn rằng họ cho phép chúng tôi làm những điều mà họ sẽ không cho phép người khác làm bởi vì họ ở phe chúng tôi”.

Mối quan hệ thân thiết giữa Facebook và chiến dịch tranh cử của Obama không hề khiến truyền thông báo động, thậm chí khi mà Obama được Facebook mời tới phát biểu tại trụ sở chính vào năm 2011.

Không chỉ không đặt nghi vấn “Facebook làm thay đổi kết quả bầu cử”, truyền thông cánh tả còn chúc mừng mối quan hệ tốt đẹp giữa mạng xã hội lớn nhất thế giới và tân Tổng thống Mỹ khi đó.

Tờ The Guardian mô tả một cách tích cực về chiến thuật của ông Obama như là đúc kết “sức mạnh của tình bạn”. CNN mô tả đội của ông Obama đã dùng “thuật phù hủy công nghệ cao” và “trò ảo thuật” để chiến thắng. Chính giám đốc phân tích dữ liệu của ông Obama như được nhắc tới ở trên, cho rằng sự mất cân bằng khổng lồ giữa dữ liệu mà phe Dân chủ lấy được so với phe Cộng hòa là không công bằng, tuy nhiên theo Washington Post, Obama đơn giản là đã “chiến thắng cuộc đua giành dữ liệu của cử tri”.

Khác hoàn toàn với Trump, truyền thông cánh tả không coi chiến dịch thu gom dữ liệu của ông Obama là xâm phạm hay xấu xa. Đó đơn giản là “công nghệ của giới sành”, theo tạp chí Wired. Tờ Atlantic thì có bài viết tiêu đề “Khi Mọt sách hành quân”, trong đó nhận xét “Người chiến thắng bầu cử 2012 là một đội ngũ trong mơ bao gồm các kỹ sư Facebook, Twitter và Google”. Đội ngũ xử lý dữ liệu của ông Obama được gọi là “những anh hùng thực sự” của cuộc bầu cử, theo Rolling Stone, và tờ Telegraph thì ca ngợi ông Obama đã làm hiện thực hóa được “tiềm năng của truyền thông” để với tới “những người trẻ bất mãn”.

Gần như không có một tờ báo nào nhắc tới sự xâm phạm quyền cá nhân trong chiến dịch thu gom thông tin người dùng của tổ chức tranh cử cho ông Obama. Các nhân viên của Obama còn nói đùa công khai rằng việc thu gom dữ liệu vươn tới cả thông tin trên Facebook của bạn bè đồng nghiệp, bạn gái cũ của những người ủng hộ ông Obama. Họ thừa nhận rằng quy mô thu gom dữ liệu lớn tới mức Facebook kích hoạt hệ thống an ninh. Tuy nhiên truyền thông cánh tả chỉ gọi đây là cách mạng trong việc vận động chính trị.

So với việc truyền thông đưa tin về chiến dịch của ông Trump. Họ gọi cách ông Trump tận dụng Facebook để vận động là “làm thay đổi kết quả bầu cử”, là “truyền bá fake news, thông tin sai sự thật”, là “nghệ thuật hắc ám” và “đe dọa tới nền dân chủ”. Ông Trump không thắng cử, theo những trang báo từng khen ngợi cách làm tương tự của Obama, mà ông ta đã “đánh cắp nó” khỏi người chiến thắng chính đáng là Hillary Clinton.

Tờ Breitbart, một tờ báo cánh hữu, cho rằng có một lời giải thích đơn giản hơn nhiều về chiến thắng của ông Trump là “cử tri không phải là những kẻ ngốc dễ bị dắt mũi. Họ là những cá thể có tư duy tự do và họ đã lựa chọn – từ bỏ Đảng Dân chủ, từ bỏ truyền thông đoàn thể và từ bỏ chính trị cũ. Nhưng thừa nhận rằng bản thân mình có lỗi thì khó – thế nên cứ đổ lỗi cho Facebook thì tốt hơn”.

Trọng Đức

Xem thêm: