Việt Nam rất có thể sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của cuộc chiến thương mại của chính quyền Donald Trump và Hà Nội đang làm mọi việc để điều đó không diễn ra.

Embed from Getty Images

Trong khi việc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung liên tục gia tăng và biến động thu hút sự chú ý của toàn thế giới, Việt Nam âm thầm nổi lên như quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ xung đột này: trở thành một điểm đến đáng giá của các tập đoàn đang tìm kiếm công xưởng khác ngoài Trung Quốc với giá nhân công phải chăng và môi trường chính trị ổn định.

Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, trong những năm gần đây đã liên tục mở rộng cánh cửa kinh tế đón đầu tư nước ngoài. Việt Nam hăm hở gia nhập CPTPP, tiếp nhận những công ty và mạng lưới cung ứng chuyển dịch từ Trung Quốc và gần đây đã ký thành công một thỏa thuận tự do thương mại với Liên minh Châu Âu.

Một trong những kết quả là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng từ 31,98 tỷ USD năm 2016 lên 39,49 tỷ USD năm 2018 và tăng tới 39% trong 6 tháng đầu năm nay. Sự thay đổi này không qua mắt được chính quyền Trump. Tổng thống Mỹ hồi tháng 6 tố cáo Việt Nam “còn tệ hơn cả Trung Quốc” về vấn đề thương mại bất công và cần phải làm việc để giảm “thâm hụt mậu dịch không ổn định”.

Với chính quyền Trump “nước Mỹ trên hết” và khoản thâm hụt mậu dịch ngày càng phình to, người ta dễ cho rằng những gì đang xảy ra với Trung Quốc có thể sẽ lặp lại ở Việt Nam: Mỹ khởi động cuộc chiến thuế má với Việt Nam. Hà Nội đã được cho là sẽ cam kết mua thêm nhiều sản phẩm của Mỹ để giảm thâm hụt mậu dịch, đồng thời mạnh tay trấn áp các hành vi gian lận thương mại và xuất xứ hàng hóa. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Bởi thứ nhất, chỉ chú trọng vào thâm hụt mậu dịch là một cách không hợp lý để đánh giá quan hệ thương mại. Thứ hai, đem cuộc chiến với Trung Quốc sang Việt Nam không có lợi cho Mỹ bằng cách dùng thương mại để siết chặt hợp tác toàn diện với Việt Nam, nhất là an ninh nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Về vấn đề cân bằng thương mại, trong khi Việt Nam bản thân đã là lựa chọn ưa thích của các nhà sản xuất ở trong những ngành cần nhiều nhân lực, một nguyên nhân lớn khiến thâm hụt mậu dịch Mỹ-Việt bùng phát trong thời gian gần đây có thể là do chính sách chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi xuất vòng qua Mỹ để lách thuế.

Lừa đảo xuất xứ – hành vi như dán lại nhãn hàng hoặc sửa đổi tối thiểu hàng hóa ở một nước thứ ba để tránh thuế đã khiến giới chức Mỹ quan ngại từ lâu, đặc biệt là các mặt hàng “made in China”. Thông tin về các hành vi lách thuế này vẫn chưa đồng nhất, nhưng có bằng chứng cho thấy nhiều doanh nghiệp để trốn thuế nhập khẩu của Mỹ đã dùng Việt Nam làm vùng đệm trong khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tăng cường. Do đó, nếu không cẩn thận, Việt Nam dễ bị cuốn vào trong vòng xoáy thương chiến và hứng chịu lây cơn thịnh nộ của ông Trump. Trong những tháng qua, Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp những thùng hàng nhập từ Trung Quốc đã ghi sẵn nhãn mác “made in Vietnam” và đã mạnh tay trấn áp chúng. Tuy nhiên, ngành thép của Việt Nam đã trở thành nạn nhân đầu tiên khi bị Mỹ áp thuế tới hơn 400% với một số sản phẩm thép có nguồn gốc Trung Quốc.

Mặc dù Washington đồng ý rằng cần phải ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ của các hãng sản xuất tại Trung Quốc, Việt Nam có một lợi thế địa chính trị có thể khiến họ miễn nhiễm với một xung đột thương mại đến từ phía Mỹ: Washington cần Hà Nội để giúp kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Á.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang có những diễn biến khó lường khi hai bên đã đồng ý sẽ nối lại đàm phán vào tháng 10. Tuy nhiên cuộc chạy đua ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington đã bắt đầu từ lâu. Bắc Kinh đang dần dần hoàn thành kế hoạch biến biển Đông thành ao nhà, khuất phục Lào, Campuchia, Philippines thành chư hầu của mình. Tại Châu Phi, Trung Quốc đang chiến thắng Mỹ trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng sau nhiều năm đổ tiền và nhân lực vào lục địa đen. Nước Mỹ khi chuyển sang chính quyền Trump đã ‘mở mắt’ trước sự trỗi dậy của con rồng đỏ Trung Quốc, và ông Trump tuyên bố ông phải là người ngăn chặn Trung Quốc. Một mối quan hệ Mỹ-Việt mạnh mẽ sẽ giúp ích rất nhiều cho Washington trong việc cầm chân và đối đầu với rủi ro an ninh do Trung Quốc đặt ra.

Nhưng về mặt thương mại, Việt Nam không phải là một đối tác hoàn hảo của Mỹ. Việt Nam có cùng ý thức hệ với Trung Quốc, lãnh đạo bởi một đảng duy nhất và một khuôn mẫu kinh tế rập khuôn từ Trung Quốc với các doanh nghiệp nhà nước cùng các đặc ân phi thị trường mà Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc xóa bỏ. Chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ không bỏ qua cho một nước nào, thậm chí đối với những đồng minh an ninh thân cận hơn như Nhật Bản và Hàn Quốc vốn đã nhiều lần bị ông Trump gọi tên về các hoạt động thương mại “bất công” với Mỹ.

Tuy nhiên, nếu chỉ chăm chăm tấn công vì muốn tái cân bằng thương mại sẽ gạt ra bên lề một đối tác quan trọng trong khu vực mà Mỹ muốn duy trì ảnh hưởng và phải xây dựng được mạng lưới đồng minh để đối phó với tiềm lực của Trung Quốc, vốn là một mục tiêu trọng tâm hơn nhiều Việt Nam cả về thương mại lẫn an ninh.

Tờ Diplomat của Nhật nhận định, chính quyền Trump thay vào đó nên phối hợp mang tính xây dựng với Việt Nam để ngăn chặn hoạt động gian lận xuất xứ và thúc đẩy quan hệ an ninh giữa hai bên. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tiếp xúc với chính phủ Việt Nam về thương mại và chính sách phát triển khu vực, trong khi tạo cơ hội kéo Việt Nam về phía Mỹ bằng cách tổ chức các cuộc thảo luận về các quan ngại chung liên quan đến Trung Quốc. Giới chức Mỹ có lẽ đã là bên ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ nhất trong cuộc xung đột tại bãi Tư Chính đang diễn ra giữa hai lực lượng hải giám Việt-Trung. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu thương mại và sự hỗ trợ của Mỹ ở biển Đông có đủ sức hấp dẫn để kéo Việt Nam ngả về bên Mỹ chống lại gã khổng lồ phương Bắc, hay Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao “không làm mếch lòng ai” của mình?

Trọng Đức

Xem thêm: