Chiến tranh thương mại tăng cường giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giúp những nước thứ ba như Việt Nam thụ hưởng nhiều lợi ích, trong khi các công ty đang phải chịu áp lực đi tìm các nhà cung cấp thay thế hoặc chuyển chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi các thị trường của cả 2 nước trên.

Embed from Getty Images

Theo phân tích của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong thương chiến, với việc chuyển hướng cung ứng của cả Mỹ và Trung Quốc đã giúp gia tăng 7,9% GDP. Đứng thứ 2 là Đài Loan, với giá trị tạo thêm bằng 2,1%  GDP nhờ xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Các nước khác đứng đầu trong danh sách hưởng lợi từ thương chiến là Chile, Malaysia, và Argentina, theo nghiên cứu trên.

Ngân hàng Nomura tìm thấy bằng chứng cho thấy sự dịch chuyển thương mại đã bắt đầu kể từ cuộc chiến ăn miếng trả miếng bắt đầu từ năm ngoái, khi chính quyền Trump áp thuế lần đầu tiên lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc vào tháng 4/2018.

“Cuộc chiến thương mại tăng cường giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không nghi ngờ gì gây ảnh hưởng tiêu cực cho toàn bộ nền kinh tế thế giới, nhưng một khía cạnh có thể tích cực: Mỹ và Trung Quốc chuyển hướng nhập khẩu tới các nước khác có thể mang lại lợi ích cho một số ngành trong những nền kinh tế này”, báo cáo phân tích của Nomura viết.

Báo cáo chỉ ra rằng những nước này được lợi nhiều hơn từ việc Mỹ đánh thuế Trung Quốc so với việc Trung Quốc đánh thuế hàng hóa Mỹ.

Phân tích của Nomura theo dõi dòng thương mại thế giới từ quý 1 năm ngoái tới quý 1 năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đánh thuế 25% lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc đánh các mức thuế khác nhau lên 110 tỷ USD hàng Mỹ.

“Dựa vào các tiêu chuẩn này, chúng tôi tìm thấy bằng chứng Mỹ và Trung Quốc đã thay thế nhập khẩu 52% trong tổng số 1981 mặt hàng bị đánh thuế”.

Thuế quan của Mỹ ảnh hưởng nhiều nhất tới các sản phẩm điện tử, đồ gia dụng và các sản phẩm phục vụ du lịch. Có rất nhiều nước khác ngoài Trung Quốc cũng sản xuất các sản phẩm này khiến khả năng tìm được nguồn hàng thay thế cũng dễ dàng hơn.

Trước đó Tổng thống Trump dự đoán rằng thuế sẽ buộc các công ty tìm nguồn cung ứng khác ngoài Trung Quốc.

Rất nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời Trung Quốc đến Việt Nam và các nước tương tự ở Châu Á. Đó là lý do vì sao Trung Quốc vô cùng muốn đạt thỏa thuận”, ông Trump viết trên Twitter hôm 13/5.

Trong những thông báo gần đây, ông Trump cho rằng các nhà sản xuất đang di dời tới các nơi khác trong đó có cả Mỹ để tránh thuế cao.

“Trung Quốc đang trợ cấp cho sản phẩm của họ để có thể tiếp tục bán được hàng ở Mỹ. Rất nhiều hãng đang rời Trung Quốc tới nước khác, có cả Mỹ, để tránh trả thuế cao. Không có sự gia tăng rõ ràng trong chi phí hay lạm phát, nhưng Mỹ đang thu được hàng tỷ!” ông Trump viết hôm 7/6.

Thương chiến kéo dài sẽ khiến nhiều công ty hơn nữa phải chuyển dời chuỗi cung ứng ra khỏi trung Quốc.

“Điều quan trọng là, những kết quả này cho thấy rằng nếu Mỹ thực thi đe dọa của họ là áp thuế 25% lên 300 tỷ đô hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, có thể dẫn đến chuyển dịch nhập khẩu nhiều hơn nữa, bởi vì tỷ lệ lớn hơn như thế rất nhiều trong hàng hóa nhập khẩu là các sản phẩm điện tử”.

Trong khi đó, việc Trung Quốc trả đũa thuế quan Mỹ gây ra sự chuyển dịch thương mại ở các sản phẩm đậu tương, máy bay, ngũ cốc và vải của Mỹ. Chẳng hạn ở đậu tương, Trung Quốc đã chuyển từ nhập của Mỹ sang nhập từ Argentina, Brazil, Chile và Canada.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đột ngột căng thẳng trở lại vào đầu tháng 5, sau khi Bắc Kinh đòi rút lại nhiều cam kết quan trọng khiến Washington lập tức áp thuế đối với sản phẩm nhập từ Trung Quốc.

Trong tháng 6 này, Tổng thống Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G-20 tại Nhật Bản. Hôm 6/6 ông Trump tuyên bố sẽ quyết định có tăng thuế mới lên Trung Quốc hay không sau cuộc gặp đó.

Nếu Mỹ đánh thêm thuế, phần lớn hàng nhập khẩu bị ảnh hưởng là hàng điện tử tiêu dùng, nghĩa là Việt Nam sẽ tiếp tục được lợi lớn.

Việt Nam đang gặt hái được lợi ích một cách nhìn thấy được của sự di cư chuỗi cung ứng cùng với dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh”, phân tích của Citigroup viết.

Trong 5 tháng đầu năm nay, dòng FDI được phê chuẩn vào Việt Nam đã tăng 69%, theo báo cáo của Citi.

Trọng Đức

Xem thêm: