Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), hôm thứ Ba (8/8) đã đăng tải bài viết nhận định rằng trong bối cảnh mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, có thể thúc đẩy Việt Nam chuyển dịch gần hơn về Hoa Kỳ để tạo đối trọng cân bằng trong các vấn đề khu vực.

Tờ báo có trụ sở tại Hồng Kông, dẫn lời các nhà phân tích, cho rằng Việt Nam đã và đang nổi lên là nước có tiếng nói phản đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất về vấn đề biển Đông và Hà Nội có thể tiến gần hơn tới Washington khi Manila nghiêng nhiều về phía Bắc Kinh.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc hôm 31/5/2017. 

Các mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bộc lộ rõ tại Manila vào hôm thứ Hai (7/8) khi một cuộc hội đàm trực tiếp giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước bên lề Hội nghị Bộ trưởng ASEAN vốn lên lịch trình từ trước đã bất ngờ bị hủy bỏ.

Việt Nam thúc đẩy Hội nghị nhấn mạnh vào tuyên bố chung rằng một quy tắc ứng xử với Trung Quốc về các vùng biển tranh chấp phải là ràng buộc pháp lý, một động thái mà Bắc Kinh phản đối. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Việt Nam cũng thúc đẩy ASEAN bày tỏ quan ngại về “xây dựng mở rộng” tại biển Đông. Đây được cho là những nguyên nhân trực tiếp khiến Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hủy ngang cuộc hội đàm với người đồng cấp Việt Nam.

Các nhà quan sát nói với SCMP rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc sắp tới sẽ còn nhiều bất đồng hơn nữa khi Hà Nội đã đẩy mạnh hợp tác với cường quốc khác có tầm ảnh hưởng trong khu vực như Nhật Bản và Hoa Kỳ để đối trọng lại Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte rất thân thiết với Bắc Kinh.

Theo tờ SCMP, ngay trong tuần này Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Hoa Kỳ, Tướng James Mattis tại Washington. Vào tháng 11 tới, Việt Nam sẽ là chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), dự kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tham dự hội nghị này.

>>Tàu sân bay Mỹ sẽ thăm Việt Nam vào năm 2018

Mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington đã được tăng cường mạnh mẽ vào năm ngoái khi chính quyền của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và hội đàm trực tiếp với Tổng thống Trump. Ông Phúc là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Đông Nam Á tiếp kiến trực tiếp ông Trump kể từ khi tỷ phủ địa ốc chính thức nhậm chức tại Tòa Bạch Ốc vào 20/1/2017.

Ông Zhang Mingliang, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, cho biết đã và đang có rất nhiều căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Zhang nói: “Việt Nam luôn là nước trong ASEAN có những nghi ngại mạnh mẽ nhất với Bắc Kinh … bởi vì Hà Nội có chung biên giới cả trên biển và đất liền với Trung Quốc”.

Để bảo vệ vị thế của mình chống lại Trung Quốc, Việt Nam đã tăng cường sức mạnh hải quân và lặng lẽ củng cố một số hòn đảo tại biển Đông. Các tàu tuần tra Việt Nam cũng tổ chức các cuộc tập trận chung đầu tiên với các đối tác Nhật Bản vào tháng 6, nhằm mô phỏng một hoạt động ngăn chặn đánh bắt hải sản trái phép trên biển Đông.

Chuyên gia Dai Fan, cũng đến từ Đại học Tế Nam, nhận định rằng biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam hơn với Philippines.

Ông Dai nói: “Là một quốc gia có lãnh thổ dài và hẹp dọc theo bờ biển, Việt Nam thiếu lãnh thổ có chiều sâu chiến lược và do đó dễ bị tấn công hơn. Đây là lý do tại sao Việt Nam cần phải bảo vệ quyền kiểm soát biển nhiều hơn”.

Ông Xue Li, chuyên gia về chính sách hàng hải của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho hay Hà Nội sẽ tiếp tục sử dụng vũ đài quốc tế để có một vị trí vững chắc trên biển Đông.

Đối với một nước nhỏ như Việt Nam sẽ là điều bình thường để cân bằng [các lực lượng], nhưng Hà Nội sẽ không đẩy mọi việc đi quá xa”. Ông Xue nói.

Cũng theo ông Xue Li cách tiếp cận thân Mỹ của Việt Nam đang vấp phải một hạn chế bởi tính không chắn chắn trong chính sách Châu Á – Thái Bình Dương của chính phủ Trump và sự thiếu quan tâm của chính quyền mới này trong việc thách thức Trung Quốc trên mặt trận hàng hải.

Việt Nam có lẽ sẽ không giữ vai trò chủ động như ông Aquino”. Ông Xue đề cập tới cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino, người đã đưa vụ kiện biển Đông lên Tòa Trọng tài Quốc tế trong năm 2016.

Yên Sơn

Xem thêm: