Gần đây nhiều nghị sĩ có sức ảnh hưởng thuộc cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đã tuyên bố sẽ sớm xúc tiến thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Có phân tích cho rằng nếu dự luật được thông qua sẽ là bước trợ giúp mạnh mẽ đối với phong trào dân chủ Hồng Kông, cũng là một tín hiệu có tác động mạnh đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Embed from Getty Images

Tòa nhà Quốc hội Mỹ (Ảnh: Getty Images)

Nội dung chính của Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông

Theo Đài VOA, hồi tháng Sáu năm nay, dự luật này đã được Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc Đảng Cộng hòa bang Florida và Hạ nghị sĩ Chris Smith thuộc Đảng Cộng hòa bang New Jersey đề xuất tại Hạ viện và Thượng viện. Dự luật nhận được nhiều ủng hộ ký tên của các nhà lập pháp có ảnh hưởng tại cả hai đảng thuộc cả Thượng viện và Hạ viện.

Dự luật nhằm sửa đổi “Đạo luật Chính sách Hồng Kông” được thông qua năm 1992, tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với nền dân chủ, nhân quyền và pháp trị của Hồng Kông, hỗ trợ các yêu cầu về dân chủ của người dân Hồng Kông, đồng thời gây sức ép khiến ĐCSTQ phải thực hiện cam kết để cho Hồng Kông quyền tự trị cao và quyền tự do bầu cử trực tiếp phổ thông đầu phiếu đối với Trưởng Đặc khu và Hội đồng lập pháp. Nội dung của Dự luật bao gồm:

1) Hàng năm Bộ trưởng Ngoại giao phải báo cáo lên Quốc hội để đánh giá xem Hồng Kông có còn được bảo đảm “tự trị đầy đủ” hay không, có được sự đối xử đặc biệt khác với Trung Quốc Đại Lục hay không;

2) Yêu cầu Tổng thống liệt kê danh sách đối tượng bị đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào Mỹ khi phạm các tội như tham gia vào các vụ bắt cóc giới làm sách và báo chí Hồng Kông, tham gia vào cưỡng chế những người đấu tranh vì nhân quyền và các quyền tự do cơ bản giao cho Trung Quốc Đại Lục giam giữ, ép cung và xét xử;

3) Yêu cầu Bộ Thương mại nộp báo cáo thường niên để đánh giá Chính phủ Hồng Kông có thực hiện hiệu quả các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cùng các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc hay không;

4) Nếu “Pháp lệnh Tội phạm bỏ trốn” sửa đổi và Điều 23 lập pháp của Đặc khu Hồng Kông được thông qua, yêu cầu Tổng thống ban hành sách lược giúp công dân và doanh nghiệp Mỹ tránh khỏi các mối đe dọa, bao gồm đánh giá lại các thỏa thuận dẫn độ giữa Mỹ và Hồng Kông và cảnh báo du lịch tới Hồng Kông;

5) Đảm bảo những người Hồng Kông đã bị bắt vì tham gia “Phong trào ô dù” và các cuộc biểu tình ôn hòa khác về dân chủ, nhân quyền và pháp trị ở Hồng Kông sẽ không bị từ chối cấp visa vào Mỹ.

Đối với các yêu cầu thuộc mục (1) và (2), dự luật cũng có những điều khoản được miễn trừ để cho phép chính phủ Hồng Kông có thể phản bác với lý do vì lợi ích an ninh quốc gia.

Tại sao cần có luật mới?

Thực tế, “Luật chính sách Hồng Kông” của Mỹ đã quy chuẩn hóa về pháp lý trong quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông, ngoài ra Mỹ cũng có “Luật Magnitsky toàn cầu” để xử phạt những đối tượng vi phạm nhân quyền, vậy thì tại sao lại cần luật mới này?

Một số nhà phân tích cho rằng “Luật chính sách Hồng Kông” không đưa ra định nghĩa và tiêu chuẩn trong vấn đề “tự trị đầy đủ” của Hồng Kông, cho phép chính quyền hành chính Hồng Kông khả năng ứng biến co giãn. Điều này khiến cơ chế giám sát tự trị và dân chủ ở Hồng Kông kém hiệu quả. Dự luật mới nhằm gia tăng mức độ chặt chẽ, cung cấp nhiều lựa chọn chính sách hơn, vì thế sau khi được thông qua sẽ là bước thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ tại Hồng Kông.

Sẽ được thông qua với tỷ lệ ủng hộ rất cao

Sau “Phong trào ô dù” vào năm 2014, Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông đã ba lần được đề xuất nhưng chưa được đưa vào thủ tục biểu quyết. Nhiều quan sát cho rằng việc thông qua phiên bản thứ tư của năm nay có thể đạt được tỷ lệ tán đồng cao, vì các nhà lập pháp hàng đầu như Mitch McConnell (lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện), Chuck Schumer (lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện) và  Nancy Pelosi (Chủ tịch Hạ viện) đều bảy tỏ quan điểm ủng hộ dự luật.

Mỹ thay đổi chính sách với Hồng Kông không phải là can thiệp vào công việc nội bộ Hồng Kông

ĐCSTQ luôn cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của họ, là thế lực ngầm đứng sau các cuộc biểu tình phản kháng của Hồng Kông. Hôm 10/9, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, sẽ không bao giờ cho phép Quốc hội nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông dưới bất kỳ hình thức nào, cảm thấy hối tiếc vì dự luật này được đề xuất trước Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, giáo sư luật học Julian Ku tại Đại học Hofstra cho rằng, nếu một quốc gia hối lộ các ứng viên ở các quốc gia khác, can thiệp vào bầu cử hoặc tạo ra tin tức giả tuyên truyền trên mạng truyền thông xã hội (giống như Nga) thì mới xem là can thiệp vào công việc nội bộ. Còn việc bày tỏ quan điểm về vấn đề Hồng Kông hay thay đổi chính sách nội bộ của riêng mình đối với Hồng Kông thì không thể xem là “can thiệp vào công việc nội bộ”.

Tuyết Mai

Xem thêm: