Trước tình trạng mất điện diện rộng tại Venezuela kéo dài hàng tuần, Trung Quốc đã đề nghị giúp đỡ khắc phục sự cố. Trong khi đó, chính phủ NaUy cũng lên tiếng sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa chính quyền Maduro và phe đối lập.

Embed from Getty Images

Người dân lấy nước từ một dòng suối tại núi Wuaraira Epano ở Caracas hôm 13/3/2019. (Ảnh: FEDERICO PARRA / AFP via Getty Images)

Chính quyền Maduro cho biết hệ thống điện có thể khôi phục phần lớn vào thứ Năm (14/3) sau khi gần như mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ tại Venezuela tuần qua đã bị đình trệ do thiếu điện. Giới chức Caracas cho biết nhiều khu vực trên toàn quốc đã có điện trở lại, trong đó cảng Jose nơi xuất khẩu dầu chính của nước này đã trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, phát biểu trên truyền hình nhà nước hôm 13/3, Bộ trưởng Thông tin Venezuela Jorge Rodriguez nói rằng các trường học vẫn chưa thể mở lại trong hơn 24 giờ nữa và máy biến áp tại một số khu vực đã bị “phá hoại”.

Chính quyền Maduro đã đổ lỗi sự cố mất điện nghiêm trọng nhất trong vài thập kỷ qua do sự phá hoại của chính quyền Trump. Caracas cáo buộc Washington đã thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng nhắm vào đập thủy điện chính của Venezuela.

Trung Quốc hôm thứ Tư (13/3) đã lên tiếng đề nghị giúp và hỗ trợ kỹ thuật để khôi phục hệ thống điện Venezuela và Bắc Kinh cũng tuyên bố ủng hộ khẳng định của ông Maduro rằng sự cố mất điện diện rộng này là kết quả của sự phá hoại.

Những người phê bình ông Maduro cho rằng nguyên nhân dẫn tới sự cố điện là do tham nhũng tràn lan và sự quản lý yếu kém của giới chức nhà nước Venezuela trong hàng thập kỷ qua.

Các cựu quan chức công ty điện và các kỹ sư địa phương nói với Reuters rằng một sự cố kỹ thuật tại đường dây tải điện nối từ nhà máy thủy điện Guri ở miền đông nam Venezuela tới mạng lưới điện quốc gia có thể là nguyên nhân chính dẫn tới sự cố mất điện nghiêm trọng hiện nay.

Cũng trong ngày thứ Tư (13/3), Bộ Ngoại giao NaUy đã nói rằng họ sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa chính quyền Maduro và phe đối lập do ông Juan Guaido lãnh đạo.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao NaUy hôm 13/3 đã nói: “Chúng tôi đã liên lạc với cả hai bên tại Venezuela và có thể đóng góp nếu họ muốn vậy.”

NaUy chưa công nhận ông Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Quốc gia Bắc Âu này có bề dày lịch sử là trung gian hòa giải của nhiều căng thẳng trên toàn cầu, mới nhất là giúp chính quyền Colombia và nhóm phiến quân Marxist FARC ký thỏa thuận hòa bình năm 2016.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa chính quyền Maduro và phe đối lập được cho là không khả thi khi mà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa bị cáo buộc là chỉ dùng đàm phán để kéo dài thời gian và chia rẽ nội bộ phe đối lập.

“Lập trường của chúng tôi là nhất quán: Các điều kiện chưa chín muồi để hòa giải hay đối thoại,” nhà lập pháp đối lập Fernando Sucre nói với Reuters. Ông Sucre nói thêm rằng chưa có bất kỳ cuộc trao đổi nào với NaUy và nhấn mạnh: “Sự đau khổ của người dân Venezuela đã tăng lên vì thảm họa điện, và điều này không thể tiếp tục kéo dài.”

Tân Bình