Một người đàn ông Venezuela đã bị chết và một người khác bị thương vào tối thứ Bảy 8/6 (giờ địa phương) tại một trạm xăng ở bang miền tây Merida. Vụ bạo loạn này cho thấy ảnh hưởng của việc thiếu nhiên liệu ngày càng tồi tệ đối với người dân quốc gia thành viên OPEC.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, người dân Venezuela trong một tháng qua đã đang phải sử dụng nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày để xếp hàng mua xăng dầu do sản lượng lọc dầu trong nước giảm và nhập khẩu bị đình trệ. Điều này đã tăng thêm tình trạng hỗn loạn cho nền kinh tế Venezuela vốn đang dần sụp đổ.

Trả lời phỏng vấn Reuters qua điện thoại, Thị trưởng thị trấn Tabay, bang Merida, ông Jose Otalora nói rằng vụ việc chết người xảy ra tại thị trấn Tabay khi một vụ xô xát tại một trạm xăng đã dẫn tới nổ súng. Ông Otalora nói thêm rằng những người liên quan đến bạo loạn đã uống rượu.

“Giữa sự hỗn loạn và một loạt xung đột với Cảnh sát Quốc gia, thật đáng tiếc vũ khí nóng đã được sử dụng gây ra cái chết của một người đàn ông và khiến một người khác bị thương,” ông Otalora nói.

Ông Otalora xác nhận nạn nhân bị thiệt mạng là Wilderman Paredes và cho biết thêm rằng người bị thương đã được điều trị y tế. Ông Otalora không cung cấp thêm chi tiết vụ việc và không nói ai phải chịu trách nhiệm về vụ thương vong này.

Reuters nói rằng họ đã liên lạc với Bộ Thông tin Venezuela để yêu cầu cung cấp thêm chi tiết về vụ chết người tại thị trấn Tabay, nhưng không nhận được phản hồi.

Nền kinh tế Venezuela và ngành dầu mỏ từng rất mạnh mẽ của quốc gia này đã suy yếu trầm trọng kể từ khi giá dầu thô thế giới rớt mạnh vào năm 2014. Điều này đã đẩy quốc gia thành viên OPEC này phải nhập khẩu nhiên liệu, nhưng cũng không thể đủ nguồn cung cho thị trường tiêu thụ trong nước.

Khi mà tình trạng thiếu nhiên liệu trở nên tồi tệ hơn vào tháng trước, binh lính quốc gia Venezuela đã bắt đầu phải giám sát việc phân phối xăng dầu tại các trạm xăng ở nhiều nơi trên khắp đất nước.

Tình trạng thiếu xăng dầu, cùng với thiếu điện và gián đoạn dịch vụ viễn thông đã đẩy ngày càng nhiều thị trấn ở các vùng nông thông rơi vào tình trạng bị cô lập và phải phụ thuộc vào việc trao đổi pin, ác-quy để duy trì đời sống sinh hoạt tối thiểu.

Tổng thống Nicolas Maduro nói rằng các vấn đề mà Venezuela gặp phải là kết quả của các chế tài kinh tế mà Mỹ đang áp đặt, bóp nghẹt nguồn thu xuất khẩu dầu mỏ và ngăn chặn chính quyền Caracas vay mượn nước ngoài.

Trong khi đó, phe đối lập do ông Juan Guaido lãnh đạo cáo buộc rằng chính sự quản lý kinh tế yếu kém và tham nhũng tràn lan của chính quyền Maduro do đảng Xã hội chủ nghĩa cầm quyền đã đẩy nền kinh tế Venezuela vào cuộc khủng hoảng trầm trọng trong 5 năm qua.

Khủng hoảng chính trị tại Venezuela vẫn bế tắc khi vòng đàm phán hòa giải mới nhất giữa chính quyền Maduro và phe đối lập tại NaUy đã thất bại. Ông Juan Guaido cho biết phe đối lập sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình tới khi nào ông Maduro phải từ chức.

Tổng thống Maduro nhờ sự hậu thuẫn của quân đội, tòa án và các chính phủ đồng minh Nga, Cuba và Trung Quốc nên vẫn kiểm soát hầu hết các thể chế vận hành quốc gia. Ông Maduro gọi ông Juan Guaido là “con rối của Wasington” đang cố gắng tiến hành đảo chính để lật đổ đảng Xã hội chủ nghĩa cầm quyền.

Xuân Thành