Khoảng 90% giao thông công cộng đường bộ tại Venezuela bị hỏng hoặc không hoạt động, theo một báo cáo của Hội đồng Liên đoàn công xã Quốc gia (NFCC) phát hành hôm thứ Tư (20/6).

Báo cáo nêu trên cho biết nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giao thông công cộng tại Venezuela gần như tê liệt là do chi phí sửa chữa quá cao và thiếu phụ tùng thay thế. Chính quyền địa phương không có đủ ngân sách để chi trả cho việc duy tu bảo dưỡng các phương tiện.

Ông Italo Zapata, giám đốc NFCC đã đổ lỗi cho Tổng tống Nicolas Maduro về “tình huống nghiêm trọng này”. Ông Zapata cho rằng chính quyền đảng Xã hội chủ nghĩa “thiếu các chính sách toàn diện để thiết lập các giải pháp thực tế và dứt khoát”.

Hệ quả của việc thiếu dịch vụ vận tải công cộng là nhiều người dân buộc phải ngồi trên nóc xe tải nặng, xe tải nhỏ và các phương tiện đường bộ khác để họ có thể đến nơi cần đến.

Theo ông Zapata, phương thức vận tải “không phù hợp và đáng xấu hổ” nêu trên đã dẫn tới hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng mà chính phủ không có hành động gì. Chính quyền Maduro đổ lỗi cho “các hành vi bạo động vi phạm hiến pháp đã buộc giới chức phải đối phó với những tình huống như vậy”.

Vào tháng Mười Một năm ngoái, báo cáo của Garda – một công ty an ninh tư nhân chỉ ra chi tiết việc “thiếu giao thông công cộng cũng đã dẫn tới sự phát triển của hệ thống giao thông chui song hành với chi phí đắt hơn nhiều các lựa chọn giao thông công chính thức”.

Phân tích của Garda cho biết thêm: “Hệ thống giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng giao thông Venezuela được dự báo sẽ còn hư hỏng thêm nữa trong tương lai gần, dẫn tới gián đoạn giao thông chính yếu vì chi phí bảo dưỡng ngày càng tăng cao, lạm phát tăng nhanh, thiếu nhân viên, tiền thu thuế giảm, và trợ cấp đè nặng lên hệ thống tài chính công”.

Cùng với sự sụp đổ của giao thông đường bộ, các cảng hàng không và các hãng máy bay lớn của Venezuela cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng do gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở quốc gia Nam Mỹ này. Hàng chục hãng hàng không quốc tế lớn trong những năm gần đây đã hủy các chuyến bay tới Venezuela do nhu cầu đi lại giảm và lo ngại về an ninh, cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng sân bay đang xuống cấp nhanh chóng vì thiếu duy tu, bảo dưỡng.

Hệ thống giao thông chỉ là một trong nhiều thực thể tại Venezuela đang dần suy sụp trong thời kỳ hậu “Cách mạng Bolivar” của cố Chủ tịch Hugo Chavez. Những hệ thống khác như giáo dục, bệnh viện, và ngành công nghiệp dầu mỏ quan trọng cũng đang phải trải qua làn sóng lao động bỏ đi và thiếu trầm trọng nguồn lực.

Cùng với việc sụp đổ các dịch vụ công cộng, hàng triệu người dân Venezuela cũng đang phải sống trong cảnh nghèo đói do hậu quả của lạm pháp phi mã khiến tiền lương của họ trượt giá đến mức gần như không còn giá trị. Mặc dù chính quyền Maduro liên tục tăng lương tối thiểu, nhưng lương hàng tháng của người lao động vẫn chỉ ở mức dưới 2 USD theo quy đổi thực tế, đồng nghĩa với việc phần lớn người dân không thể mua được thực phẩm thiết yếu, thuốc men, và các nguồn lực quan trọng khác để sinh sống.

Thanh Long

Xem thêm: