Từ mùa hè năm 1936 đến năm 1938, chế độ độc tài của Joseph Stalin đã hành hình 750.000 công dân Xô viết mà không cần xét xử hay thông qua bất kỳ quy trình tố tụng pháp lý nào. Trong cùng thời gian đó, hơn một triệu người khác đã bị gửi đến trại lao động Gulag dành cho tù nhân chính trị, nhiều người không bao giờ có thể trở về. Trong lịch sử của các chế độ độc tài đẫm máu, đây là giai đoạn bạo lực hiếm có do nhà nước gây ra chống lại chính người dân của mình.

Giai đoạn lịch sử này luôn mang theo một cảm giác rùng rợn nhất định, nhưng có nhiều lý do hơn ngoài tội ác giết người để ta cần quan tâm đến, đặc biệt khi sắp tới ngày kỷ niệm lần thứ 80 của cuộc Đại khủng bố. Trong năm 1991, và sau đó là năm 2000, một lượng lớn tài liệu lưu trữ – hàng triệu tài liệu về Nga Xô đã được các nhà sử học công bố. Phải mất nhiều năm để có thể tiêu hóa hết đống tài liệu này và ý nghĩa của nó, nhưng những phát hiện mới và nổi bật đã làm cho việc viết lại lịch sử của giai đoạn được gọi là Đại thanh trừng này trở nên khả thi. Một cuốn sách gần đây có tiêu đề “Nỗi Sợ khủng khiếp” là một ví dụ về điều này. Và những phát hiện này còn giúp chúng ta hiểu thêm về nước Nga hiện đại, đường lối lãnh đạo độc đoán của Putin và sự tôn kính tuyệt đối mà nhiều người Nga vẫn giành cho Joseph Stalin.

Ở phương Tây, nhận thức của công chúng về Stalin và Đại thanh trừng vẫn còn rõ rệt sau khi nhà độc tài này qua đời vào năm 1953. Người kế nhiệm ông ta, Nikita Khrushchev, muốn hạn chế quyền lực đáng sợ của cảnh sát chính trị Xô viết. Đồng thời, ông ta cũng muốn truyền đạt tới tầng lớp quý tộc chính trị của Xô viết rằng họ sẽ không bị xét xử vì những hành động trong thời kỳ bạo lực của Stalin, mặc dù họ đã tham gia sâu và trực tiếp vào khủng bố. Vì vậy, Khrushchev đổ lỗi cuộc Đại thanh trừng cho một mình Stalin và sự “sùng bái cá nhân ngông cuồng” của ông ta. Các sử gia phương Tây đã đi theo sự dẫn dắt của Khrushchev, coi Stalin như tên đồ tể duy nhất, chịu trách nhiệm cho vụ khủng bố khét tiếng này.

Các sử gia đặc biệt bị ảnh hưởng bởi Robert Conquest trong cuốn sách năm 1967 tựa đề Đại thanh trừng. Cuốn sách này mô tả Stalin như một kẻ cơ hội chính trị,  hoang tưởng, khát máu và muốn kiểm soát tất cả. Do đó, Đại thanh trừng năm 1936-1938 được hiểu như là một chiến dịch đỉnh điểm để tạo ra một chế độ độc tài cá nhân dưới tên Stalin.

Những góc nhìn mới

Những tài liệu mới được tiết lộ cũng không cho thấy rằng Stalin thực sự là một người tốt. Thực ra còn trái lại, nhưng chúng đã tạo nên một lỗ hổng lớn trong nhận thức về  những câu chuyện quen thuộc.

stalinVí dụ, rõ ràng rằng phần lớn các nạn nhân của cuộc Đại thanh trừng là công nhân bình thường và nông dân, những người không có khả năng thách thức quyền lực của Stalin. Khi các tài liệu riêng tư của Stalin được tiết lộ vào năm 2000, các nhà sử học mong chờ sẽ tìm thấy sự khác biệt chúng và hình tượng tự tô vẽ của Stalin bên ngoài –  một tín đồ trung thành của Lenin và là người bảo vệ Cách mạng. Nhưng thực tế không phải vậy. Trong cả hình ảnh công chúng lẫn đời tư, Stalin đều cam kết xây dựng chủ nghĩa xã hội, không phải xây dựng nên một chế độ độc tài cá nhân phục vụ cho lợi ích của riêng mình.

Vậy động lực nào đằng sau cuộc Đại thanh trừng? Để trả lời câu hỏi này, ta cần đào sâu hơn. Nguyên nhân của bạo lực bắt đầu từ những năm cuối thập niên 1930 và đã được thúc đẩy bởi sự sợ hãi hoang tưởng. Hầu hết những người Bolshevik, Joseph Stalin cũng nằm trong số đó, đều tin rằng các cuộc cách mạng giai cấp năm 1789, 1848 và 1871 đều thất bại vì lãnh đạo của họ đã không dự đoán đầy đủ các hành động phản cách mạng từ những nhân tố chính trị cũ. Do đó, họ quyết tâm không để mắc phải sai lầm tương tự.

Vì vậy, tầng lớp chóp bu của Liên Xô đã tạo ra các hệ thống tình báo rộng khắp để thu thập mọi  thông tin về các mối đe dọa cách mạng cả từ bên trong và bên ngoài. Nhưng những hệ thống này còn xa mới tới được hoàn hảo. Sợ hãi khiến họ tự tô vẽ các mối đe dọa với màu sắc đen tối hơn nhiều bằng chứng thu thập được. Ví dụ, những người Bolshevik đã dành nhiều thời gian trong những năm 1920 và 1930 để dự đoán cuộc xâm lược từ liên minh các nước tư bản thù địch, một liên minh mà trên thực tế còn không tồn tại. Những mối đe dọa khác cũng được phóng đại lên vượt xa tầm vóc của chúng: các phe phái âm mưu, các quan chức không trung thành, những kẻ phá hoại.

Nhiều “mối đe dọa” là sản phẩm của những kế hoạch đầy tham vọng của Stalin. Ông đã yêu cầu phải hoàn thành 100% chỉ tiêu sản xuất mà khó thể thể đáp ứng được. Sau đó ông và các đồng sự tại điện Kremlin lý giải lệch lạc những người bất đồng ý kiến, kháng cự và các sự cố xuất hiện do không đạt mục tiêu như là những bằng chứng về hành vi phản cách mạng. Và những người thợ, công nhân hay nông dân, những người có đủ lý do để chán ghét chế độ này, được xem là những tân binh tiềm năng của cuộc phản cách mạng hư cấu.

Nỗi sợ hãi kinh khiếp

Vào giữa những năm 1930, với sự gia tăng của Đức quốc xã ở Đức và quân phiệt Nhật Bản, cả hai đều quyết tâm chống cộng, đã đặt ra một mối đe dọa rất thực tế cho Liên bang Xô viết. Chiến tranh có vẻ sẽ nhanh chóng xảy ra, và Stalin cảm thấy không còn lựa chọn nào khác là phải có hành động phủ đầu chống lại cái mà ông gọi là cột trụ thứ 5 tiềm ản – ẩn dụ cho một nhóm sẽ làm tổn hại tới tập thể lớn hơn.

Vòng xoáy bạo lực nội bộ làm suy yếu Liên Xô hơn là củng cố nó, nhưng chiến thắng cuối cùng của lực lượng Xô Viết trong Thế Chiến II đã xuất hiện như một lý do để biện minh cho cuộc Đại thanh trừng. Và chiến tranh lạnh sau đó lại được dùng để biện minh cho quan điểm rằng thế giới tư bản sẽ không ngừng việc làm suy yếu quyền lực của Liên Xô.

Cảnh sát chính trị của Liên Xô, sau đổi tên thành KGB vào năm 1954, không bao giờ nhận ra tội ác tày trời mà họ đã góp phần vào theo sự chỉ đạo của Stalin. Họ xem mình là anh hùng của câu chuyện, đã thấy trước và ngăn chặn được những hành vi độc ác của kẻ thù của chế độ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, xuất sơn từ hàng ngũ tình báo KGB trong những năm 1970. Ông đã được đào tạo bằng phương pháp của tổ chức và thấm đẫm triết lý của nó. Trong khi không nên vội vàng kết luận rằng ông ta là một nạn nhân cho sự nghiệp đặc vụ của mình, thì hiện tại, tiếng vọng từ thời KGB (và Stalin) không ngừng hiện lên trên các phương tiện truyền thông do chính phủ của ông ta kiểm soát.

Người dân được tuyên truyền rằng Hoa Kỳ và châu Âu luôn muốn làm giảm vị thế của Nga xuống một thế lực hạng ba, để kiểm soát nguồn tài nguyên của Nga và lật đổ các giá trị nước này. Dù Putin không đề xuất phục hồi hình ảnh chính thức của Stalin, nhưng ông ta hầu như không hành động gì để thay đổi nhận thức của người Nga rằng Stalin là người đã làm cho Nga trở thành một cường quốc tuyệt vời, người đủ sức đương đầu với cả Mỹ và phương Tây.

Hôm nay, chúng ta thấy rằng nỗi sợ hãi thái quá đã kích phát lên cuộc khủng bố cực điểm do một nhà nước tiến hành – cuộc Đại thanh trừng. Nhưng ở Nga, ám ảnh về nỗi sợ hãi thời kỳ đen tối đó vẫn đang ngăn cản các nỗ lực tiến hành một cuộc thảo luận công khai về tội ác của Stalin và cũng chính sự sợ hãi này đã củng cố quyền lực độc đoán của Putin.

Tác giả: James Harris, Đại học Leeds, Anh quốc

Bài đăng trên tạp chí The Conversation