Tác giả Peter Navarro, trợ lý chính sách sản xuất – thương mại cho Tổng thống Trump. 

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có một lịch sử dài lợi dụng các cuộc khủng hoảng để gia tăng chủ nghĩa bá quyền chiến lược của mình. Chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962, Trung Quốc đã xâm lược Ấn Độ trong khi Hoa Kỳ và Liên Xô bị xao nhãng. Phần thưởng chiến tranh của Trung Quốc: sáp nhập được lãnh thổ Aksai Chin của Ấn Độ.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc WHA (Ảnh chụp màn hình video)

Ngày nay, đằng sau tấm màn của đại dịch mà chính ĐCSTQ đã tạo ra, chúng ta đang chứng kiến loại hành vi tương tự như nửa thế kỷ trước, đó là lối hành xử lợi dụng lúc người khác yếm thế để tranh thủ đạt mục đích. Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc nay cũng tích cực truyền bá giọng điệu ủng hộ độc tài của chính phủ Bắc Kinh.

Từ những hành vi này, bao gồm cả việc Trung Quốc nỗ lực dập tắt nền dân chủ tại Hồng Kông, COVID-19 phải chăng nên được lý giải thành 19 cách Trung Quốc định chiến thắng trong chết chóc.

Dưới đây là dòng thời gian vạch trần chiến lược trục lợi của Trung Quốc, bắt đầu từ cuối năm 2019:

Giữa tháng 11/2019, các ca viêm phổi mới do nhiễm một chủng virus corona mới bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán. ĐCSTQ sau đó cho rằng dịch bệnh bắt nguồn từ một khu chợ động vật hoang dã Vũ Hán, tuy nhiên Trung Quốc lại có 2 phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nghiên cứu các virus corona lạ lấy mẫu từ con dơi trong tự nhiên. Ngoài ra, Trung Quốc trước đó từng có một ổ dịch virus corona xuất hiện tại ít nhất một phòng thí nghiệm khác trong quá khứ. Hai nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Nam Hoa xác định nguồn lây nhiễm thậm chí có thể bắt đầu từ Trung Tâm Kiểm soát dịch bệnh Vũ Hán.

Ngày 30/12, bác sĩ Lý Văn Lượng gửi tin nhắn cho các đồng nghiệp trong một nhóm chat, cảnh báo khả năng lây nhiễm bệnh mới từ người sang người. Ông và 7 người thổi còi khác đã bị cảnh sát tạm giữ và phê bình. Sau đó bác sĩ Lý đã chết vì nhiễm virus.

Ngày 31/12, các giới chức địa phương tẩy rửa chợ Vũ Hán, phá hủy hết tất cả bằng chứng tốt nhất để xác định liệu khu chợ này có đúng là nơi bắt nguồn của virus hay không. Trong khi đó, các mẫu virus thu được vẫn chưa được Bắc Kinh chia sẻ với thế giới.

Từ đầu tháng 12 cho tới ngày 20/1 năm nay, ĐCSTQ che giấu virus khỏi thế giới đằng sau lá chắn của con rối của họ là WHO. Trung Quốc từ chối cho phép các chuyên gia quốc tế và chuyên gia từ Trung Tâm Phòng Chống dịch bệnh Hoa Kỳ tới Vũ Hán để nghiên cứu virus. Vào ngày 14/1, WHO đăng tweet rằng: “các cuộc điều tra sơ bộ do chính quyền Trung Quốc tiến hành không tìm thấy bằng chứng rõ ràng cho thấy virus corona mới lây nhiễm từ người sang người”.

Ngày 7/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh cho Ban thường trực Bộ chính trị ĐCSTQ phải “kiểm soát dịch bệnh”. Thế nhưng Tập lại cho phép các nhà ngoại giao của mình tới Tòa Bạch Ốc ngay một tuần sau đó và bắt tay với Tổng thống Trump và đội ngũ thương mại của ông. Chỉ sau khi ký được Thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ vào ngày 15/1, ông Tập mới tiết lộ về virus “quỷ” mà ĐCSTQ đã cho phép lây lan vào ngày 20/1.

Vào ngày 21/1, bất chấp các cam kết đã ký vào ngày 15/1 là không ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, Viện virus học Vũ Hán – chính nơi mà virus có thể bắt đầu xuất hiện – đã nộp bằng sáng chế cho Remdesivir, một loại thuốc do công ty Mỹ phát triển. Mục đích của họ: Cướp bằng sáng chế của Mỹ.

Tới cuối tháng Một, ĐCSTQ phong tỏa đi lại trong nước nhưng lại duy trì đi lại với quốc tế cho tới tận cuối tháng Ba. Trong khi 5 triệu người Vũ Hán chạy khỏi thành phố trước khi bị phong tỏa, hàng trăm ngàn người Trung Quốc đã bay đến khắp nơi trên thế giới và mang theo mầm bệnh. Trung Quốc vì thế đã biến một căn bệnh mà đáng lẽ có thể kiềm chế nội trong thành phố Vũ Hán trở thành một đại dịch toàn cầu.

Vào ngày 31/1, Tổng thống Trump đã có một quyết định dũng cảm. Ông cấm và giới hạn toàn bộ người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong 14 ngày trước đó đặt chân vào nước Mỹ. ĐCSTQ gọi đây là “hành động thái quá”. Một ngày sau, người đang được xem là ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden gọi Trump là “kẻ bài ngoại”.

Trong khi che giấu virus Trung Quốc khỏi thế giới, ĐCSTQ đã biến từ một nước xuất khẩu lớn các thiết bị bảo vệ y tế (PPE) thành một nước nhập khẩu khổng lồ. Việc tích trữ PPE của Trung Quốc bao gồm thu gom 2 tỷ khẩu trang N95, đã góp phần tạo nên một sự thiếu hụt chết chóc trong đội ngũ y bác sĩ từ Milan tới New York và xa hơn nữa.

Sau khi tờ Nhật báo Phố Wall đăng bài bình luận vào ngày 3/2 chỉ trích phản ứng chống virus của Trung Quốc, ĐCS đã rút giấy phép làm việc của 3 phóng viên của họ thường trú tại Bắc Kinh vào ngày 19/2. Một tháng sau, Bắc Kinh lại hủy giấy làm việc của các ký giả từ New York Times và Washington Post – vi phạm Luật Cơ bản Hồng Kông – và cấm cả đưa tin từ Hồng Kông.

Tới cuối tháng Một, quan chức Bắc Kinh đã ngăn không cho Viện virus học Vũ Hán chia sẻ các mẫu thể tách virus corona mới với phòng thí nghiệm kiểm soát sinh học Đại học Texas. Hành động này trái với thỏa thuận ban đầu của Vũ Hán về việc chia sẻ các mẫu virus này. ĐCSTQ cũng cài đặt Thiếu tướng Chen Wei, nhà dịch tễ học và virus học hàng đầu của quân đội Trung Quốc vào một vị trí cấp cao trong Viện Virus học Vũ Hán.

Trong khi ngăn chặn dịch bệnh ở Vũ Hán, nhiều khi bằng cách rào chặn cửa không cho người dân ra ngoài, ĐCS đã sử dụng kho vật tư y tế khổng lồ của mình để trục lợi. Các doanh nghiệp Trung Quốc quảng cáo bán khẩu trang, găng tay, áo y tế, kính bảo vệ mắt với số lượng lớn, thậm chí họ còn bán trở lại vật tư y tế với giá cao hơn cho chính những nước mà ban đầu đã tặng số vật tư này cho họ vào giai đoạn đầu dịch bệnh như  nước Ý.

Để trục lợi nhiều hơn, Trung Quốc cho tràn ngập thị trường toàn cầu, từ Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan tới Georgia, Cộng hòa Séc và Hoa Kỳ – bằng các bộ xét nghiệm và PPE sai hỏng. Thay vì sửa chữa vấn đề, ĐCSTQ đổ cho “lỗi từ người dùng”.

Vào ngày 4/4, tuân theo đúng kế thừa nước đục thả câu, Tuần Duyên Trung Quốc đã đâm chìm một tàu đánh cá của thường dân Việt Nam. ĐCSTQ vào lúc đó đã gom thêm 80 đảo, rạn san hô và các kết cấu đại dương khác vào trong tuyên bố chủ quyền sai trái của họ ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc hãy “ngừng lợi dụng sự sao lãng và thời gian dễ bị tổn thương của nước khác để mở rộng các tuyên bố chủ quyền trái phép của mình”.

Vào ngày 24/4, EU cúi đầu trước áp lực Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc không có lỗi trong một báo cáo của EU về các chiến dịch thông tin virus sai lệch. Vào ngày 30/4, trong một lần thể hiện chính sách ngoại giao “sói chiến”, bác bỏ mọi sự phê bình, ĐCSTQ cảnh báo Hà Lan: đổi tên đại sứ quán không chính thức của họ ở Đài Loan hoặc là bị Trung Quốc ngừng cung cấp PPE và tẩy chay hàng hóa Hà Lan.

Vào ngày 29/4, một quan chức cấp cao của ĐCSTQ đổ tội cho chính quyền Trump vì đã “để phí nhiều tuần mà không hành động sau khi mối đe dọa của virus đã trở nên rõ ràng”.

Ngày 13/5, FBI và Cơ quan An ninh mạng, An ninh Hạ tầng Hoa Kỳ phát đi cảnh báo rằng các hacker có liên hệ với Trung Quốc đang tìm cách đánh tài sản trí tuệ của người Mỹ và các công ty nước ngoài khác đang nỗ lực phát triển vaccine, bất chấp Trung Quốc hứa hẹn trong thỏa thuận giai đoạn I rằng họ sẽ ngừng hẳn việc này.

Ngày 18/5, ĐCSTQ hứa hẹn hỗ trợ 2 tỷ USD trong vòng 2 năm để chống dịch bệnh toàn cầu. Số tiền này chỉ bằng một phần nhỏ của con số 9 tỷ mà Mỹ đang chi ra để thúc đẩy phản ứng chống dịch toàn cầu, và ít hơn số tiền mà Trung Quốc mượn từ Ngân hàng Thế giới. Trung Quốc đã thất bại trong nỗ lực chặn 193 thành viên khác của LHQ kêu gọi một cuộc điều tra công bằng, toàn diện và độc lập đối với WHO và những nghi vấn về tổ chức này trong thời gian đầu dịch bệnh. Mặc dù vậy, Trung Quốc đã bắt đầu cố gắng ngăn cản cuộc điều tra quan trọng này.

Ngày 22/5, sau khi giải tán người biểu tình Hồng Kông bằng lệnh phong tỏa và “vì lý do virus”, ĐCSTQ loan báo luật an ninh mới, một công cụ giết chết nền dân chủ Hồng Kông. Luật này sẽ cho phép đưa các quan chức an ninh Trung Quốc tới Hồng Kông, tăng cường giám sát người dân thành phố này và áp đặt hệ thống tính điểm tín nhiệm xã hội vốn được thiết kế để trừng phạt những người biểu tình và bất đồng ý kiến ôn hòa. Bắc Kinh đã nã đòn cuối này vào Hồng Kông sau khi bắt nhà sáng lập Đảng Dân chủ Hồng Kông Martin Lee 81 tuổi, nhà xuất bản tin tức Jimmy Lai; và hơn 10 lãnh đạo phong trào bảo vệ dân chủ nổi bật khác.

Trong tương lai trước mắt, chắc chắn Trung Quốc sẽ còn có nhiều nước cờ quân sự, chính trị và kinh tế nữa nhằm trục lợi từ một đại dịch mà chính các hành vi yếu kém hoặc tồi tệ của Trung Quốc tạo ra.

Mỉa mai thai, ĐCSTQ lại đang ra sức tuyên truyền về một ngụy biện rằng đại dịch COVID-19 chính là minh chứng rằng nền thống trị độc đoán của ĐCS mới là mô hình quản lý tối ưu, tốt đẹp hơn nhiều nền pháp trị của khối dân chủ tự do. Nhưng nếu Trung Quốc thực hiện khảo sát ý kiến người dân thực chất, tỷ lệ người dân tin vào câu chuyện hoang đường này có lẽ gần bằng 0%.

Người Mỹ chúng ta chắc chắn không tin vào lời tuyên truyền này, Trung Quốc nên biết rằng chúng tôi không bối rối. Chúng tôi biết chính xác Trung Quốc đang muốn làm gì.

Trọng Đức dịch, biên tập.

Xem thêm: