Sau khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trở thành nữ Trưởng đặc khu Hồng Kông đầu tiên (ngày 26/3), ngày hôm sau Viện Lập pháp đảng Dân Tiến tại Đài Loan đã tổ chức họp báo với chủ đề “Bầu cử Trưởng đặc khu Hồng Kông chứng minh không có chuyện một nước hai chế độ”.

Viện Lập pháp đảng Dân tiến Đài Loan tổ chức họp báo liên quan đến tình hình Hồng Kông.
Viện Lập pháp đảng Dân tiến Đài Loan tổ chức họp báo liên quan đến tình hình Hồng Kông.

Theo thông tin từ Apple Daily, Stormmedia, Liberty Times, tại buổi họp báo, Bí thư đảng Dân tiến Lee Chun-yi chỉ ra, chế độ bầu cử ở Hồng Kông là vô cùng hoang đường. Sau khi chủ quyền Hồng Kông trả về Trung Quốc Đại Lục, tổng tuyển cử như kỳ vọng của người Hồng Kông đã không thành hiện thực, “một nước hai chế độ” chỉ là dân chủ giả hiệu, vì thế họp báo nhằm nhắc nhở người Đài Loan phải lưu ý tình hình Hồng Kông, phải quý trọng nền dân chủ đang có.

Ông Lee Chun-yi nói, theo điều tra dân ý thì bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ được 29%, nhưng cuối cùng lại trúng cử với 65,5% phiếu bầu, còn ông Tằng Tuấn Hoa cao đến 56%, nhưng lại chỉ được 30,7% phiếu bầu. Nguyên nhân của việc này nằm ở Ủy ban bầu cử. Số 1200 ủy viên Ủy ban bầu cử không phản ánh ý dân, vì trong đó chỉ có 152 người được dân chọn ra.

Từ đó cho thấy, chuyện “một nước hai chế độ” là giả hiệu. Hồng Kông từng là một nơi có nền dân chủ phát triển của châu Á, nhưng sau 20 năm trả chủ quyền về Trung Quốc, nền dân chủ Hồng Kông không chỉ khó thực hiện, thậm chí cả quyền tự do biểu đạt ý chí và bầu cử dân chủ cũng không còn.

Trợ lý trưởng đảng Dân tiến Yeh Yi-jin cũng chỉ ra kết quả bầu cử hoàn toàn trái ngược dân ý Hồng Kông, chế độ rất có vấn đề, một nước hai chế độ là dân chủ giả hiệu. Bà Yeh Yi-jin nhấn mạnh, qua tình hình Hồng Kông cho thấy Đài Loan phải đặc biệt cảnh giác.

Ủy viên Lập pháp đảng Dân tiến Wu Ping-jui cho biết, chỉ có 1200 ủy viên Ủy ban bầu cử có quyền bỏ phiếu, đây là bỏ phiếu “trong lồng chim”, nếu mọi người dân Hồng Kông đều có quyền bỏ phiếu thì chắc chắn kết quả hoàn toàn khác.

Wu Ping-jui cho rằng, điều này cho thấy Trung Quốc đang khống chế Hồng Kông, không cho Hồng Kông có bầu cử dân chủ tự do. Ông cho biết, cách hành xử của Trung Quốc Đại Lục khiến Đài Loan không còn niềm tin đối với họ. Người dân Đài Loan phải cảnh giác từ tình hình Hồng Kông, phải quý trọng nền dân chủ đang có.

Về câu hỏi liệu bầu cử Hồng Kông có ảnh hưởng quan hệ Hồng Kông – Đài Loan không, ông Wu Ping-jui cho biết còn phải chờ xem. Theo ông, việc Trưởng đặc khu không xuất phát từ ý dân sẽ khiến xã hội Hồng Kông bất ổn, còn vấn đề quan hệ Đài Loan – Hồng Kông như thế nào thì phải trông chờ vào những diễn biến trong tương lai.

Đài VOA dẫn thông tin thống kê của Ban Di dân Bộ Nội chính Đài Loan cho biết, năm ngoái Đài Loan cấp thẻ định cư cho 1086 người Hồng Kông di dân đến Đài Loan, tạo kỷ lục mới về số di dân Hồng Kông đến Đài Loan trong 16 năm qua.

Được biết, sau “Phong trào ô dù” và xung đột Mong Kok tại Hồng Kông, nhiều người dân Hồng Kông cảm thấy thất vọng về tình hình chính trị, cùng với bất mãn về giá cả và các vấn đề sinh kế khiến họ đã chọn nhập cư Đài Loan. So với Hồng Kông, giá nhà và chi phí sinh hoạt tại Đài Loan rẻ hơn đáng kể, không gian cư trú và chất lượng cuộc sống tương đối cao hơn đã khiến một số người Hồng Kông chọn cách mua nhà để sống tại Đài Loan.

Nguyễn Đoàn (T/H)

Xem thêm: