Mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng sau khi tuần trước Canberra đề xuất quốc tế cần phải tiến hành điều tra độc lập nguồn gốc virus corona Vũ Hán và cách chế độ Trung Quốc xử lý đại dịch này. Bắc Kinh đã lên tiếng đe dọa tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của Úc, trong khi Canberra bác bỏ hành vi “cưỡng bức kinh tế’’ này.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) trong cuộc trả lời phỏng vấn đăng trên tờ The Australian Financial Review đã nói rằng “công chúng Trung Quốc” có thể tẩy chay hàng hóa và trường đại học Úc.

Tuyên bố của ông Thành là để đáp trả Úc tuần trước đã kêu gọi tất cả các thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên ủng hộ đánh giá độc lập về nguồn gốc và sự lây lan virus corona Vũ Hán.

Hôm 22/4, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã có cuộc điện đàm với một số nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump, kêu gọi việc tiến hành đánh giá độc lập về nguồn gốc của virus corona Vũ Hán và cơ chế lây lan của dịch COVID-19, theo Reuters.

Để nhấn mạnh lời kêu gọi của mình, trong buổi họp báo tại thủ đô Canberra hôm 23/4, ông Morrison tiếp tục nói rằng tất cả các thành viên của WHO nên có nghĩa vụ tham gia một cuộc điều tra độc lập. “Nếu chúng ta là thành viên của WHO, thì cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với tổ chức này”.

Khi nói đến vấn đề dịch bệnh, chúng tôi muốn thế giới trở nên an toàn hơn. Tôi hy vọng rằng các quốc gia, dù là Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác, sẽ cùng chia sẻ mục tiêu đó”, ông Morrison nói thêm.

Lời kêu gọi của ông Morrison được đưa ra sau khi nhiều nghị sĩ Úc gần đây nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thống Trump về việc điều tra nguồn gốc virus corona Vũ Hán, đồng thời bày tỏ hoài nghi về sự minh bạch thông tin của Trung Quốc liên quan đến dịch bệnh.

Trước đó, ngày 19/4, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cũng đã kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập cách Trung Quốc và WHO ứng phó với đại dịch.

>>Úc yêu cầu điều tra nguồn gốc virus corona, thêm áp lực lên Trung Quốc

Đáp lại lời kêu gọi của bà Payne hôm 21/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã cáo buộc nhiều chính trị gia Úc hùa theo Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc.

Một số chính trị gia Úc cũng sẵn sàng nói theo như vẹt những gì người Mỹ đã khẳng định và theo đuôi người Mỹ trong việc dàn dựng cuộc tấn công chính trị nhằm vào Trung Quốc”, thông báo của Đại sứ quán viết.

Đến thứ Hai (27/4), tiếng nói phản đối Úc của Trung Quốc đã chuyển biến thành động thái đe dọa “cưỡng bức kinh tế”.

Trả lời phỏng vấn The Australian Financial Review, Đại sứ Thành Cạnh Nghiệp cho hay: “Có lẽ thường dân [Trung Quốc] sẽ hỏi ‘Tại sao chúng ta phải uống rượu vang Úc? Ăn thịt bò Úc?

Trong bài báo đăng trên trang nhất của The Australian Financial Review, ông Thành nói rằng du khách Trung Quốc có thể không lựa chọn Úc làm điểm đến đầu tiên trong kế hoạch du lịch của mình.

Các bậc phụ huynh của du học sinh cũng sẽ nghĩ… liệu [Úc] có phải là nơi tốt nhất để họ gửi con em tới học”, Đại sứ Trung Quốc tại Úc nói thêm.

Được biết, sau sản phẩm năng lượng, thì giáo dục và du lịch là hai ngành xuất khẩu lớn tiếp theo của Úc. Trong đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc.

Phản ứng với tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc, Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm thứ Hai (27/4) phát đi tuyên bố khẳng định Úc đã “kêu gọi theo đúng luật” một cuộc đánh giá độc lập COVID-19, dịch bệnh khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Chúng tôi bác bỏ mọi đề xuất cho rằng ép buộc kinh tế là một phản ứng thích hợp đối với lời kêu gọi [tiến hành] cuộc đánh giá [độc lập] như vậy. Điều chúng ta cần vào thời điểm này là hợp tác toàn cầu”, bà Payne nói.

Ngoại trưởng Payne cho rằng “đánh giá trung thực” về đại dịch sẽ giúp củng cố vai trò của WHO.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 27/4 cũng đã lên tiếng bác bỏ các yêu cầu tổ chức điều tra độc lập nguồn gốc virus corona, nhưng ông Cảnh không nhắm trực tiếp vào Úc.

Trung Quốc là nước đầu tiên báo cáo bệnh nhân COVID-19, nhưng điều đó không có nghĩa rằng virus này có nguồn gốc từ Trung Quốc”, ông Cảnh nói với báo giới.

Một số người đang cố gắng thổi phồng về cái gọi là cuộc điều tra [độc lập nguồn gốc virus]. Cuộc điều tra này không phù hợp với bầu không khí hợp tác quốc tế. Và sự điều động chính trị của họ rồi sẽ không thành công”, ông Cảnh nói thêm.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc dùng đòn bẩy kinh tế để gây áp lực lên Úc. Trong thời điểm hai nước căng thẳng ngoại giao hồi năm 2018, Trung Quốc đã trì hoãn nhập khẩu rượu vang Úc và thịt bò Úc cũng đã bị tạm dừng xuất sang Trung Quốc một thời gian.

Như Ngọc