Chính phủ Úc sẽ cấm Công ty Công nghệ Huawei Trung Quốc cung cấp các thiết bị cho mạng băng thông rộng 5G tại Úc sau khi các cơ quan tình báo dấy lên quan ngại về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể ép Huawei bàn giao các dữ liệu nhạy cảm.

huawei
Huawei hiện là công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. (Ảnh qua Getty Images)

Nhiều năm qua, các cơ quan tình báo phương Tây đã dấy lên quan ngại về mối quan hệ của Huawei với ĐCSTQ và khả năng các thiết bị của hãng công nghệ này được dùng vào các hoạt động gián điệp. Cho dù đây đều là các thông tin chưa được kiểm chứng, nhưng chính phủ các nước đều đặt cảnh giác cao với Huawei.

Huawei hiện đang là nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp điện thoại di động thông minh lớn thứ ba toàn cầu. Trong dự án 5G tại Úc, hãng công nghệ Trung Quốc này đã hứa rằng chính phủ Canberra sẽ giám sát hoàn toàn các thiệt bị mạng 5G, trong đó có các trạm nguồn, tháp thu phát sóng và thiết bị truyền dẫn vô tuyến.

Huawei cho rằng mô hình giám sát này đã được nhiều quốc gia trên thế giới chấp nhận, trong đó có Anh Quốc, nơi có phòng thí nghiệm đặc biệt với các quan chức tình báo chính phủ làm nhiệm vụ đánh giá tất cả các sản phẩm của Huawei.

Tuy nhiên, tờ Asia Times, dẫn các nguồn tin giấu tên, cho biết các tình báo Anh Quốc tiết lộ rằng các bộ chuyển đổi lõi do Huawei lắp đặt trong các bản nâng cấp có dấu hiệu đáng nghi, khả năng cho phép nhận và truyền dữ liệu tới bên thứ ba. Những cáo buộc này chưa được kiểm chứng độc lập bởi bên thứ ba.

Các nước phương Tây khác, trong đó có New Zealand, Canada và Đức cũng nói rằng họ có đủ biện pháp bảo vệ để đảm bảo các thiết bị của Huawei không chứa “backdoors” (cửa hậu) hoặc các cơ chế khác cho phép bí mật theo dõi hoặc thu thập thông tin.

Hai nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng các cơ quan tình báo Úc đã báo cáo với các nhà lập pháp nước này rằng hệ thống giám sát mà Huawei đề xuất sẽ không làm giảm các quan ngại của họ về vấn đề an ninh quốc gia.

Đó là một công ty Trung Quốc và theo luật của nhà nước Cộng sản, họ phải phối hợp với các cơ quan tình báo của ĐCSTQ nếu được yêu cầu. Trên khắp thế giới không có nhiều công ty nào khác mà lại có ủy ban chính trị giống như Huawei”, một nguồn tin giấu tên của chính phủ Úc nói với Reuters.

Tại Mỹ, Huawei gần như đã phải đóng cửa hoàn toàn do chính phủ liên bang dấy lên các quan ngại về an ninh quốc gia. Hiện tại hãng công nghệ Trung Quốc này chỉ còn duy trì hợp tác với các nhà khai thác viễn thông nhỏ, vùng nông thôn. Nhưng các công việc này hiện nay cũng đang gặp rủi ro phải dừng lại sau nhiều tuần gần đây các nhà lập pháp Mỹ tiếp tục cảnh báo phải loại bỏ Huawei khỏi thị trường Mỹ.

Hồi tháng Tư, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung đã phát hành một báo cáo chỉ ra rằng Huawei có quan hệ rộng rãi với ĐCSTQ. Nhà sáng lập Huawei và hiện vẫn đang điều hành công ty này, ông Nhiệm Chính Phi (Ren Zhengfei) là cựu sĩ quan Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Dự định cấm Huawei triển khai mạng 5G là động thái mới nhất của Úc nhằm ngăn chặn Trung Quốc gây ảnh hưởng tại quốc gia này nói riêng và khu vực Thái Bình Dương nói chung.

Hệ thống 5G đòi hỏi triển khai tháp thu phát sóng rộng khắp và sau đó cho các hãng viễn thông khác thuê lại. Kiểm soát được các trạm phát sóng này thì gần như nắm được toàn bộ thông tin trên mạng lưới di động toàn nước Úc.

Rủi ro rò rỉ thông tin qua mạng di động là rất cao khi các nhà cung cấp mạng di động thường dễ dàng tiếp cận các thông tin cá nhân nhạy cảm như lịch sử tìm kiếm trên internet và hộp thư điện tử của tất cả người dùng.

Mặc dù Úc và nhiều nước khác có các luật nghiêm ngặt điều chỉnh thời điểm và cách thức các công ty cung cấp mạng di động tiến hành thu thập thông tin, nhưng các cơ quan tình báo Úc vẫn lo ngại rằng nếu các nhà khai thác di động phụ thuộc vào các thiết bị của Huawei, công ty của Trung Quốc này có thể phát triển một loạt các phương thức thu thập dữ liệu hoặc thậm chí phá hoại sự ổn định mạng lưới. Hơn nữa, luật của Trung Quốc yêu cầu các tổ chức và công dân của họ phải ủng hộ, trợ giúp và hợp tác với công việc tình báo.

Trong một năm trở lại đây, Úc đã xúc tiến nhiều biện pháp để bảo vệ đất nước chống lại những nỗ lực gây ảnh hưởng từ bên ngoài.

Vào cuối tháng Sáu vừa qua, Quốc hội Úc đã thông qua luật can thiệp nước ngoài, yêu cầu các nhà vận động hành lang phải thông báo mối quan hệ của họ với các chính phủ nước ngoài. Cơ quan lập pháp Úc cũng phê duyệt một đạo luật khác nhằm cấm các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài mà chưa được giới thiệu với Hạ viện.

Hôm 11/7 vừa qua, Úc, Papua New Guinea và Quần đảo Solomon đã ký kết dự án cáp internet dưới biển chung, phần lớn do chính phủ Úc chi trả chi phí, khoảng 100 triệu USD. Dự án này sẽ ngăn chặn không cho Huawei cung cấp các thiết bị viễn thông với rủi ro bị sử dụng vào các hoạt động gián điệp.

Thanh Long

Xem thêm: