Ngoại trưởng Tuvalu Simon Kofe hôm thứ Năm (21/11) nói rằng quốc đảo Nam Thái Bình Dương này đã khước từ đề xuất hỗ trợ xây đảo nhân tạo để đối phó với nước biển dâng từ các công ty Trung Quốc. Đây là cách tiếp cận quen thuộc của Bắc Kinh để dụ dỗ các đồng minh của Đài Loan, nhưng lần này họ đã không thành công.

Embed from Getty Images

Phó Thủ tướng Tuvalu Minute Alapati Taupo phát biểu tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 74 vào ngày 28/9/2019 tại New York, Mỹ. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP via Getty Images)

Thay vì chấp nhận đầu tư từ Trung Quốc Đại Lục, Ngoại trưởng Simon Kofe đã bày tỏ rõ ràng sự ủng hộ dành cho Đài Loan và nói rằng quốc gia của ông đang làm việc để thành lập một nhóm đoàn kết 4 đồng minh còn lại của Đài Loan tại Thái Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn Reuters tại Đài Bắc, Đài Loan, ông Kofe cho hay: “Mối quan hệ ngoại giao giữa Tuvalu và Đài Loan đang là mạnh mẽ nhất từ trước tới nay.

Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh của việc đoàn kết và hợp tác với nhau,” ông Kofe nói thêm, đề cập tới việc hợp tác cùng ba đồng mình khác của Đài Loan tại Thái Bình Dương gồm Quần đảo Marshall, Palau và Nauru. “Cùng với các đối tác của chúng tôi, chúng tôi sẽ có thể đối phó với sự ảnh hưởng từ Trung Quốc Đại Lục.”

Tuyên bố ủng hộ này của Ngoại trưởng Tuvalu đã cung cấp thêm hỗ trợ cho Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khi bà chuẩn bị bước vào cuộc đua tái cử trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng Một tới. Bà Thái chịu sức ép ngoại giao rất lớn từ Trung Quốc Đại Lục khi Đài Loan bị mất tới 7 đồng minh kể từ khi bà lên cầm quyền vào năm 2016.

Sự ủng hộ của Tuvalu đến chỉ hai tháng sau khi hai nước khác tại Thái Bình Dương là quốc đảo KiribatiQuần đảo Solomon đã cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc Đại Lục.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường một chiến dịch bóc tách thêm các đồng minh của hòn đảo Đài Loan tự trị mà Đại Lục luôn xem là tỉnh ngoài khơi xa của họ và theo đó không được phép thiết lập quan hệ ngoại giao cấp nhà nước với các nước khác. Các nước nếu đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, thì sẽ không được phép thiết lập quan hệ với Trung Quốc Đại Lục.

Đài Loan tuyên bố rằng Kiribati đã bị Bắc Kinh dụ dỗ bằng lời hứa tài trợ nhiều chiến đấu cơ, trong khi Quần đảo Solomon được đề nghị các quỹ phát triển.

Ngoại trưởng Kofe nói với Reuters rằng các công ty Trung Quốc gần đây đã tiếp cận các cộng đồng địa phương tại Tuvalu để đề nghị trợ giúp kế hoạch của chính phủ trị giá 400 triệu USD cho xây dựng các đảo nhân tạo. Ông Kofe khẳng định ông tin các công ty này được sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc.

Chúng tôi nói KHÔNG,” ông Kofe nói. “Chúng tôi đang nghe nhiều thông tin về nợ, Trung Quốc đang mua các đảo của chúng tôi và tìm cách xây dựng các căn cứ quân sự trong khu vực của chúng tôi. Đây là điều đang làm chúng tôi quan ngại.

Chúng tôi hy vọng đó là những bài học cho các quốc gia khác hãy cẩn trọng và ý thức về ảnh hưởng tiêu cực này… Điều đó là không tốt cho những người anh em Thái Bình Dương của chúng tôi,” ông Kofe nói.

Những động thái mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương đã gây sự chú ý cho Mỹ và các đồng minh của nước này trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Úc và New Zealand. Nhóm các nước này đã thống trị các vùng biển tại các quốc đảo nhỏ đang phát triển trên Thái Bình Dương từ Thế Chiến II và giờ đây họ đang nỗ lực đẩy lùi các động thái gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Thủ hiến của tỉnh Malaita của Quần đảo Solomon hôm 21/11 đã nói với Reuters rằng Mỹ và các đồng minh trong khu vực này đã cam kết sẽ phát triển một cảng nước sâu tại Malaita và sẽ được mời tuần tra lãnh thổ này. Động thái này của Mỹ và đồng minh tại Solomon sẽ tạo ra tình thế đối đầu với đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc trên quần đảo Thái Bình Dương.

Xuân Thành

Xem thêm: