Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany hôm 26/5 cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump “thất vọng” với động thái mới nhất của chế độ Trung Quốc nhằm thắt chặt kiểm soát Hồng Kông. Ông Trump nói rằng hành động của Bắc Kinh sẽ gây tổn hại cho vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông.

Embed from Getty Images

Thư ký báo chí Kayleigh McEnany nói với báo giới trong cuộc họp báo hôm 26/5 rằng Tổng thống Trump cho biết “ông thất vọng với những nỗ lực của Trung Quốc, và thật khó để thấy Hồng Kông có thể làm như thế nào nhằm duy trì vị thế trung tâm tài chính nếu Trung Quốc thắt chặt kiểm soát”.

Vào cuối ngày 26/5, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng chính quyền của ông đang lên kế hoạch thực hiện hành động đáp trả động thái của chế độ Trung Quốc “trước cuối tuần này”, nhưng ông Trump từ chối đưa ra thông tin chi tiết.

Chúng tôi sẽ làm điều gì đó ngay bây giờ. Tôi nghĩ các bạn sẽ thấy nó rất đáng quan tâm. Nhưng tôi sẽ không nói về nó hôm nay”, ông Trump nói.

Những phát biểu nêu trên của ông Trump đến trong bối cảnh quốc tế ngày càng gia tăng sự giận dữ về việc Bắc Kinh lên kế hoạch áp dụng luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Các nhà phê bình nói rằng luật này sẽ đặt dấu chấm hết cho quyền tự trị của hòn đảo này.

Chế độ Trung Quốc hôm 21/5 đã công bố đề xuất dự luật an ninh cho Hồng Kông và dự kiến luật này sẽ được thông qua tại Quốc hội Trung Quốc vào ngày 28/5, bỏ qua vai trò của cơ quan lập pháp Hồng Kông. Luật an ninh sẽ tội phạm hóa các hành động “ly khai, lật đổ và khủng bố”. Luật cũng cho phép các cơ quan an ninh Trung Quốc được đặt trụ sở tại Hồng Kông. Các nhà phê bình lo ngại rằng luật an ninh này sẽ cho phép chế độ Trung Quốc có cớ đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Động thái của Bắc Kinh đã kéo theo sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và làm bùng phát trở lại các cuộc biểu tình tại Hồng Kông vào hôm Chủ Nhật (24/5) và sẽ còn có thêm nhiều cuộc biểu tình nữa dự kiến diễn ra trong tuần này.

Các quan chức chính quyền trung ương Bắc Kinh và Đặc khu Hồng Kông vẫn ra sức bảo vệ dự luật. Họ nói rằng luật này chỉ áp dụng cho một nhóm nhỏ “tội phạm” hoặc “các phần tử ly khai”.

Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) trong cuộc họp báo hôm 26/5 cho biết bà hoàn toàn ủng hộ động thái của chính quyền Bắc Kinh và khẳng định luật đề xuất của trung ương sẽ không xâm phạm tới các quyền tự do của Hồng Kông.

Việc ban hành luật an ninh quốc gia cuối cùng sẽ tái khẳng định vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông”, bà Lâm nói.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và các nhà phê bình quốc thế lập luận rằng luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông sẽ tạo hiệu ứng ngược.

Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Trump, ông Robert O’Brien hôm 24/5 cho biết động thái này của chế độ Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông.

Tôi thực sự không nhìn thấy làm thế nào [khối doanh nghiệp tài chính] có thể ở lại. Một lý do mà họ đến Hồng Kông là vì ở đó có luật pháp riêng, có hệ thống tự do kinh doanh, có hệ thống tư bản, có nền dân chủ và các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp địa phương. Nếu tất cả những điều này biến mất, thì tôi không dám chắc làm thế nào cộng đồng tài chính có thể ở lại đó”, ông O’Brien nói trên NBC.

Ông O’Brien nói rằng dự thảo luật an ninh đó có thể dẫn tới Hoa Kỳ áp đặt các chế tài theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019. Theo luật liên bang này, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm phải xác nhận xem liệu Hồng Kông có được hưởng quyền tự trị đầy đủ từ Trung Quốc đại lục để nhận các đặc quyền thương mại từ Washington hay không.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nói rằng động thái làm luật của Trung Quốc là “chuông báo tử” cho quyền tự trị của Hồng Kông mà hòn đảo này đang được hưởng theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Chính sách này Trung Quốc đã cam kết trong tuyên bố chung Trung-Anh 1984, cơ sở để Anh Quốc trao trả Hồng Kông về Bắc Kinh vào năm 1997.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ đại diện cho nhiều công ty Mỹ tại Hồng Kông hôm 26/5 nói rằng họ “quan ngại sâu sắc” về các kế hoạch làm luật của Bắc Kinh và kêu gọi chế độ này duy trì chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.

Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ, hiện nay đang có hơn 1.000 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Hồng Kông.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ trong tuyên bố hôm 26/5 nhấn mạnh: “Quyền tự trị của Hồng Kông từ lâu đã là một trong những tài sản lớn nhất góp phần thúc đẩy một nền kinh tế đổi mới, minh bạch và dựa trên luật lệ, đề cao vai trò của thị trường”.

Giới chức Liên minh Châu Âu, Úc, Canada và gần 200 chính trị gia của 23 nước trên 4 châu lục cũng đã lên tiếng kêu gọi chế độ Trung Quốc phải tôn trọng quyền và tự do của Hồng Kông.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: