Hôm thứ Năm 7/5, Thượng viện Mỹ thất bại trong việc đảo ngược việc Tổng thống Donald Trump phủ quyết một nghị quyết nhằm hạn chế khả năng ông được đơn phương điều động sức mạnh quân sự để phó với Iran mà không cần thông qua Quốc hội.

Embed from Getty Images

Phiên bỏ phiếu ở Thượng viện có kết quả 49 phiếu thuận, 44 phiếu chống. Để đảo ngược quyết định của Tổng thống, Thượng viện cần ít nhất 2/3 số phiếu thuận (67 phiếu), tức là hành động phủ quyết của ông Trump còn nguyên giá trị.

Chỉ có 7 Thượng nghị sĩ Cộng hòa tham gia cùng Đảng Dân chủ trong nỗ lực đảo ngược quyết định của ông Trump.

Hôm thứ Tư, ông Trump phủ quyết Nghị quyết Quyền lực Chiến tranh, gọi đây là một hành động “sỉ nhục tổng thống” và lên án thủ đoạn của phe Dân chủ nhằm chia rẽ Đảng Cộng hòa nhằm khiến ông thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11.

“Đây là một nghị quyết xấc xược, được đưa ra bởi Đảng Dân chủ trong chiến dịch nhằm chiến thắng bầu cử vào ngày 3/11 tới, bằng cách chia rẽ Đảng cộng hòa. Có vài thành viên Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ trên thực tế đã bị họ dắt mũi”, ông Trump nói trong một tuyên bố sau khi phủ quyết đạo luật.

“Nghị quyết này nói rằng quyền lực hiến định của Tổng thống trong việc sử dụng sức mạnh quân sự phải giới hạn trong việc bảo vệ nước Mỹ và các lực lượng của nước Mỹ chống lại các cuộc tấn công cận kề. Điều này là không đúng”.

“Chúng ta sống trong một thế giới đầy thù địch, bị vây quanh bởi các mối đe dọa, và Hiến Pháp thừa nhận rằng Tổng thống phải có thể dự tính trước các bước đi tiếp theo của kẻ thù của chúng ta và phản ứng lại bằng quyết định dứt khoát, nhanh gọn. Đó là điều mà tôi đã làm”, ông Trump nói.

Đây là hành động phủ quyết thứ bảy trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Đạo luật Quyền lực Chiến tranh Iran yêu cầu “Tổng thống chấm dứt sử dụng Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ cho các hành động thù địch chống lại Cộng hòa Hồi giáo Iran hoặc bất kỳ một bộ phận nào của chính phủ, quân đội của họ, trừ khi được phê chuẩn rõ ràng trong một tuyên bố chiến tranh hoặc một quyết định ủy quyền cụ thể của quốc hội để sử dụng sức mạnh quân sự chống Iran”.

Ông Trump cho rằng nghị quyết này sẽ “làm tổn hại nghiêm trọng khả năng của Tổng thống trong việc bảo vệ Hoa Kỳ, đồng minh và đối tác của chúng ta”. Ông cũng lập luận rằng đạo luật của phe Dân chủ đưa ra dựa vào một sự hiểu sai luật pháp.

Vụ tấn công Soleimani hoàn toàn được luật pháp cho phép, bao gồm Nghị quyết Ủy quyền sử dụng Lực lượng Quân sự chống Iraq 2002 và Điều II Hiến Pháp Mỹ”, ông Trump nói.

Đạo luật hạn chế quyền lực chiến tranh được Phe Dân chủ đưa ra sau khi Tổng thống Trump ra lệnh không kích giết Tướng Qassem Soleimani của quân đội Iran tại Sân bay Quốc tế Baghdad, hành động mà các nghị sĩ Dân chủ phàn nàn rằng họ đã không được báo trước đầy đủ.

Thượng nghị sĩ Tim Kaine, tác giả của đạo luật trên đã thúc giục các đồng nghiệp đoàn kết để đảo ngược quyết định phủ quyết của ông Trump, lập luận rằng đạo luật này cần thiết để giúp Mỹ tránh lâm vào một cuộc chiến không cần thiết tại Trung Đông. Ông cũng nói ông bị “sốc” khi Tổng thống nghĩ rằng một động thái khẳng định quyền hiến định của Quốc hội về vấn đề chiến tranh và hòa bình lại liên quan đến chính trị và cuộc bầu cử tháng 11 của ông ta.

“Tôi thấy điều đáng chú ý trong tuyên bố của ông ta là tổng thống không thể thấy Quốc hội đang bày tỏ một ý kiến về cuộc chiến thông qua bất kỳ lăng kính nào khác ngoài bản thân ông ta và việc tái đắc cử của ông ta”, ông Kaine nói trong một phát biểu ngay trước khi Thượng viện bỏ phiếu.

Thượng nghị sĩ James Inhofe thuộc Đảng Cộng hòa thì ca ngợi quyết định phòng thủ “táo bạo nhất từ trước đến nay” khi ra lệnh nhanh gọn tiêu diệt “con quỷ” Soleimani và nói hàng tháng qua ông Trump đã cho thấy ông sẽ không đi đến một cuộc chiến với Iran.

“Tôi nghĩ việc này đã bị bóp méo để khiến tổng thống trông như kẻ xấu”, ông Inhofe nói, theo Fox News.

Hồi tháng Hai, Thượng viện đã thông qua Đạo luật sức mạnh chiến tranh với kết quả 55-45 với sự trợ giúp của 8 Thượng nghị sĩ Cộng hòa.

Tuy nhiên do nỗ lực đảo ngược phủ quyết thất bại tại Thượng viện, hành động này sẽ không được gửi xuống Hạ viện. Cả hai viện Quốc hội Mỹ đều phải trải qua phiên bỏ phiếu và đạt ít nhất đa số 2/3 mới có thể đảo ngược một quyết định phủ quyết của Tổng thống.

Trọng Đức

Xem thêm: