Cho tới nay, virus corona mới (nCoV) đã lây lan cho hơn 40.000 người, khiến ít nhất hơn 1.000 người thiệt mạng, hầu hết tại Trung Quốc và cũng đã truyền nhiễm tới gần 30 quốc gia. Tuy nhiên, khá nhiều người trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã bày tỏ hy vọng rằng dịch virus corona mới sẽ biến mất vào tháng Tư khi thời tiết bắt đầu ấm lên. Nhận định của ông Trump liệu có đúng?

download
Hình thái siêu tế bào của virus nCoV, minh hoạ bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)

Trong cuộc họp với các thống đốc bang tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai (10/2), ông Trump nói rằng không cần thiết phải quá lo lắng về virus corona bởi vì dịch này sẽ biến mất khi “khí nóng đến”.

Nhiều người nghĩ rằng [virus này] sẽ biến mất vào tháng Tư khi khí nóng đến. Thông thường [những dịch bệnh như này] sẽ biến mất vào tháng Tư. Chúng ta [nước Mỹ] vẫn ổn. Chúng ta 12 trường hợp, 11 trường hợp. Và nhiều người trong số này bây giờ sức khỏe đã ổn,” ông Trump nói.

Trước đó, hôm 7/2, Tổng thống Trump cũng đăng lên Twitter nói rằng: “…ông ta [Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc] sẽ thành công, đặc biệt khi thời tiết bắt đầu ấm lên và hy vọng virus này sẽ yếu đi và sau đó biến mất.

Tổng thống Trump không đưa ra bất kỳ dẫn chứng nào để bảo vệ cho nhận định nêu trên của mình.

>>CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (sáng 11/2)

Trong khi đó, theo trang tin fortune.com, Giáo sư Peter Hotez – Trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor ở Houston nói rằng: “[Virus corona yếu đi khi thời tiết ấm lên] chỉ là phỏng đoán, bởi vì đây là loại virus mới, và chúng ta chưa hiểu biết gì về nó.

Giáo sư dịch tễ học Marc Lipsitch tại Harvard cho biết trong khi chúng ta đang nỗ lực để tìm hiểu kỹ hơn về tính mùa vụ của virus corona, thì những nhận định hiện tại vẫn chỉ là “phỏng đoán”.

Ông Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm và Chính sách tại Đại học Minnesota nhận định rằng còn sớm để tính đến thời tiết ấm hơn ảnh hưởng đến virus corona thế nào.

Nhiều người giả định như thế vì dịch SARS chấm dứt vào mùa hè. Chúng ta không biết liệu dịch SARS kết thúc vào mùa hè có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không. [Dịch SARS] có thể đã chấm dứt vào thời điểm chúng ta kiểm soát được nó,” ông Osterholm nói. Dịch SARS cũng do một loại virus corona gây ra, bùng phát tại Trung Quốc và lan ra toàn cầu giai đoạn 2002-2003 khiến hơn 8.000 người mắc và khoảng gần 800 người thiệt mạng.

Hai chuyên gia Scott Dowell và Mei Shang Ho trong một bài báo tìm hiểu về mối liên quan giữa tính mùa vụ và dịch SARS đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2004, đã viết: “Đúng là hầu hết các mầm bệnh đường hô hấp ở người đã tái phát vào mùa đông, nhưng với đánh giá mới về gánh nặng bệnh tật ở vùng nhiệt đới đã củng cố thêm cho các nghi vấn về cách giải thích chỉ dựa vào không khí lạnh hoặc độ ẩm.

Những bệnh dịch truyền từ động vật sang người mới xuất hiện như Ebola đã diễn tiến không theo bất kỳ một mẫu dự báo trước nào,” bài báo trên Lancet nói thêm.

Ông Michael Osterholm của Đại học Minnesota nhấn mạnh rằng MERS (Bệnh Hô hấp cấp Trung Đông cũng do virus corona gây ra) bùng phát ở người năm 2012 không theo mô hình mùa vụ dự kiến nào cả.

Các trường hợp nhiễm MERS vẫn tiếp diễn khi thời tiết là 43 độ C tại Bán đảo Ả Rập,” ông Osterholm nói và lưu ý rằng “một vài đợt dịch do loại virus này gây ra đạt đỉnh lây lan vào giữa mùa hè”.

Theo CNN, mới đây văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng virus corona chủng mới có thể sống sót trong cả khí hậu nóng ẩm của các quốc gia nhiệt đới và kêu gọi công chúng không chủ quan.

Cũng như nhiều đặc tính khác của virus corona mới, cho đến nay chúng ta đều chưa thể biết chính xác liệu loại virus chết người này có biến mất khi thời tiết ấm lên hay không.

Như Ngọc