Là một phần trong sáng kiến “Mua hàng Mỹ, Thuê người Mỹ”, hôm 15/7 Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh hành pháp nhằm tăng tỷ lệ nội địa đối với các sản phẩm sản xuất tại Mỹ.

Embed from Getty Images

Phát biểu trong sự kiện “Made in America” do Tòa Bạch Ốc tổ chức hôm 15/7, ông Trump nói: “Triết lý quản trị của tôi rất đơn giản: Nếu chúng ta có thể xây dựng, nuôi trồng hoặc sản xuất bất cứ thứ gì tại Mỹ, chúng ta sẽ làm thế.

Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng lệnh hành pháp mới cuối cùng sẽ tăng tỷ lệ nội địa lên mức “75% trở lên để các hàng hóa nội địa sẽ phải có 75% thành phần Mỹ” mới được coi là sản phẩm “Made in America”.

Hiện tại, đối với các mục tiêu mua sắm của chính phủ, một sản phẩm được coi là sản xuất tại Mỹ nếu ít nhất 50% thành phần giá trị có nguồn gốc nội địa, theo Đạo luật Mua hàng Mỹ.

Ngoài ra, theo cố vấn thương mại Peter Navarro, lệnh hành pháp mới mà Tổng thống Trump vừa ký nhắm mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa đối với sản phẩm sắt và thép được sản xuất tại Mỹ từ 50% lên tới 95%.

Trong một bài bình luận trên Fox News, ông Navarro nói rằng “ông Trump cũng đang khuyến nghị tăng tỷ lệ nội địa đối với các sản phẩm khác từ 50% lên 55% và cuối cùng xem xét tăng lên tỷ lệ 75%”.

Lệnh hành pháp mới nêu trên được Tổng thống Trump ký vào sự kiện “Made in America” do Tòa Bạch Ốc tổ chức hôm 15/7 với sự tham gia của các nhà sản xuất đến từ tất cả 50 bang. Đây là sự kiện được chính quyền Trump tổ chức thường niên từ năm 2017.

Theo The Epoch Times, trong số các nhà sản xuất Mỹ tham gia sự kiện có các sản phẩm như dép từ Florida, mũ từ Wyoming, sốt tiêu của Louisiana, thuyền cobalt từ Kansas và xe máy sản xuất tại Indiana.

Trong bài phát biểu chào mừng sự kiện, Tổng thống Trump đã hoan nghênh các công ty cam kết sản xuất hàng hóa tại Mỹ. Ông Trump có nhắc tới công ty Litespeed, chuyên sản xuất xe đạp titan tại Chattanooga, bang Tennessee. Công ty này đã tăng trưởng 70% trong hai năm qua nhờ vào việc chuyển nhiều bộ phận sản xuất từ nước ngoài về Mỹ.

Nhân sự kiện tôn vinh các nhà sản xuất Mỹ, Tổng thống Trump cũng thông tin rằng nền kinh tế Mỹ đã bổ sung thêm 6 triệu việc làm từ khi ông đắc cử, trong đó có hơn 1 triệu việc làm ngành sản xuất, kỹ thuật và xây dựng.

Ông Trump cũng cho biết các nhà sản xuất Mỹ đã đóng góp thêm 250 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ so với mức họ đã đóng góp thời kỳ trước bầu cử năm 2016.

Chúng ta đang theo sau trí thông minh của các bậc khai quốc của chúng ta bằng cách phục hồi sự độc lập kinh tế và thức tỉnh sức mạnh công nghiệp của chúng ta,” ông Trump nói.

Tổng thống Trump cũng chỉ trích các chính phủ tiền nhiệm vì đã cho phép nhiều nước ngoài đánh cắp việc làm và tài sản Mỹ.

Họ đã đánh cắp tài sản của chúng ta. Họ đã đánh cắp rất nhiều và hành vi đó được phép diễn ra trong thời gian dài. Nhưng nó sẽ không còn tiếp diễn nữa… Chúng ta đã đang mất 800 tỷ USD mỗi năm cho Trung Quốc. Do đó, về cơ bản, chúng ta đang tái thiết Trung Quốc. [Nhưng] tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc. Tôi đổ lỗi cho những vị tổng thống trước tôi và những lãnh đạo trước đây đã để tình huống vô lý thế này xảy ra,” ông Trump nói.

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 của mình, ông Trump đã biến việc thúc đẩy sản xuất Mỹ thành nền tảng trong chính sách kinh tế của ông. Kết quả của những cải cách ủng hộ tăng trưởng của ông Trump như giảm thuế, giảm thủ tục hành chính, đã khiến tinh thần lạc quan trong các nhà sản xuất Mỹ tăng cao kỷ lục vào năm 2018.

Một báo cáo của Hiệp hội Nhà sản xuất Quốc gia (NAM) cho biết: “Bất chấp những thách thức và sự không chắc chắn trước mắt mà các doanh nghiệp phải đối mặt, ngành sản xuất Mỹ tiếp tục mở rộng, dù chậm hơn, nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành này hầu hết tiếp tục lạc quan.

Một khảo sát gần đây của NAM cho thấy rằng gần 80% các nhà sản xuất Mỹ có quan điểm tích cực về triển vọng kinh doanh của họ và 50% nhà sản xuất dự kiến sẽ tuyển dụng nhiều hơn trong năm tới.

Xuân Thành