Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm (28/5) đã ký lệnh hành pháp để xử lý những hành vi xấu về những gì mà ông mô tả là sự kiểm duyệt của các trang mạng truyền thông xã hội. Ông Trump ban hành lệnh này sau khi Twitter thêm các nhãn kiểm tra sự thật (fact-check) vào một số tweet của ông.

Embed from Getty Images

Trong sự kiện ký lệnh hành pháp nêu trên, ông Trump nói rằng hành động này được đưa ra “để bảo vệ tự do ngôn luận trước một trong những mối nguy hại lớn nhất”. Ông Trump nói thêm rằng Twitter, Facebook và Google có “quyền lực không bị kiểm soát”.

Lệnh hành pháp mà tổng thống vừa ký sẽ yêu cầu Ủy ban Thông tin Liên bang (FCC) soạn thảo quy định chính thức có thể loại trừ các mạng truyền thông xã hội khỏi việc được bảo vệ theo Điều 230 của Đạo luật Khuôn phép Truyền thông. Lệnh mới cũng sẽ cấm các cơ quan liên bang chi tiền quảng cáo vào các nền tảng mạng xã hội vi phạm Tu chính Án thứ nhất, Hiến pháp Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận.

Chúng tôi không chấp nhận điều đó”, ông Trump nói về việc các công ty truyền thông xã hội áp đặt “quan điểm”. Ý kiến này của ông Trump là đồng điệu với các tuyên bố của các chính trị gia khác cũng theo đường lối bảo thủ cho rằng các công ty truyền thông xã hội có định kiến chống quan điểm bảo thủ và thường xuyên gỡ bài đăng hoặc kiểm duyệt những quan điểm này.

Tổng chưởng lý William Barr cũng có mặt trong buổi lễ ký lệnh hành pháp, nói với báo giới rằng Bộ Tư pháp cũng sẽ xúc tiến kiện các công ty truyền thông xã hội.

Đầu tuần này, Twitter đã lần đầu gắn các đường liên kết cảnh báo tới hai bình luận của tổng thống Trump và mời đọc giả “tìm hiểu sự thật” sau khi ông Trump đưa ra các tuyên bố về bỏ phiếu qua thư dẫn tới gian lận bầu cử. Một trang cảnh báo của Twitter nói rằng tổng thống “đã tuyên bố sai rằng bỏ phiếu qua thư sẽ dẫn tới ‘một Cuộc bầu cử Gian lận’“.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany trong cuộc họp báo thường nhật nói với báo giới rằng lệnh hành pháp về truyền thông xã hội có có thể được công bố vào 28/5 (giờ Mỹ).

Bà McEnany đã nói với Reuters rằng Điều 230 là một trong những tấm khiên bảo vệ các công ty truyền thông xã hội.

Chúng tôi đang tìm cách loại bỏ những tấm khiên này để đưa ra ánh sáng những gì đang xảy ra với một số quy trình đưa ra quyết định phía sau hậu trường”, bà McEnany nói.

Đáng chú ý, CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng đã lên tiếng chỉ trích Twitter fact-check tweet của Tổng thống Trump. Ông Mark Zuckerberg nói rằng các nền tảng truyền thông xã hội thuộc sở hữu tư nhân không nên hành động như “người phán xét sự thật”.

Trao đổi với Fox News hôm 27/5, ông Mark Zuckerberg cho hay: “Tôi nghĩ, chúng tôi có chính sách khác với Twitter về vấn đề này. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Facebook không nên là người phán xét sự thật mọi thứ mà mọi người nói trên mạng… Các công ty tư nhân, đặc biệt những công ty nền tảng trực tuyến này, không cần thiết phải làm điều đó”.

Phản ứng với bình luận của ông Zuckerberg, CEO Twitter Jack Dorsey nói rằng công ty của ông không phải đang nỗ lực trở thành “người phán xét sự thật”.

Mục đích của chúng tôi là kết nối các tuyên bố mâu thuẫn nhau và chỉ ra thông tin gây tranh cãi để mọi người có thể tự phán xét. Nhiều thông tin minh bạch hơn từ chúng tôi là quan trọng để mọi người có thể nhìn thấy rõ ràng lý do đằng sau những hành động của chúng tôi”, ông Dorsey viết trên Twitter hôm 27/5.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: