Trong cuộc họp Nội các hôm thứ Ba (19/11), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rằng Washington sẽ tăng thuế áp lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh để kết thúc thương chiến.

Embed from Getty Images

Họp với các quan chức dưới quyền tại Tòa Bạch Ốc hôm 19/11, ông Trump nói ông có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, lưu ý rằng Trung Quốc đang “thay đổi lập trường [để tránh bế tắc]”. Tuy nhiên, ông cho biết Trung Quốc sẽ phải ký một thỏa thuận mà “tôi muốn”.

Nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, tôi sẽ tăng thuế nhập khẩu cao hơn nữa,” ông Trump nói tại phòng họp Tòa Bạch Ốc với sự tham dự của đông đảo các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc đã đang vướng vào một cuộc chiến thuế quan trả đũa qua lại trong 16 tháng qua. Washington đang đánh thuế lên hơn 500 tỷ USD hàng Trung Quốc, trong khi ở chiều ngược lại Bắc Kinh áp thuế lên khoảng 110 tỷ USD hàng nhập từ Mỹ.

Trong tháng trước, hy vọng kết thúc thương chiến Mỹ – Trung tăng cao khi hai bên thông báo có thể ký một thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” bên lề cuộc họp Thượng đỉnh APEC ở thủ đô Santiago, Chile vào giữa tháng Mười Một. Tuy nhiên, hội nghị này đã bị hoãn do tại Chile leo thang biểu tình và địa điểm, thời gian để Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng.

Những điểm chính yếu trong thỏa thuận ban đầu này là cách thức và thời gian hai bên giảm thuế nhập khẩu áp lên hàng hóa của nhau và Trung Quốc sẽ cam kết mua bao nhiêu nông sản Mỹ.

Tuần trước, cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow nói rằng hai nước Mỹ, Trung đang tiến gần tới một thỏa thuận để kết thúc thương chiến dai dẳng, nhưng ông không đưa ra chi tiết về thời gian ký kết thỏa thuận quan trọng này.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã tuần trước cũng nói rằng hôm thứ Bảy (16/11), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc “điện đàm mang tính xây dựng” với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Ngoài vấn đề thương mại, quan hệ Mỹ – Trung cũng đang bị chi phối bởi các vấn đề khác như Đài Loan, Biển Đông, Hồng Kông và tình hình nhân quyền ở Tân Cương.

Tuần qua, vấn đề Hồng Kông đặc biệt nóng khi cảnh sát Đặc khu gia tăng trấn áp biểu tình bằng bạo lực, bao vây nhiều trường đại học, trong đó nổi bật là Trường Đại học Trung văn Hồng KôngĐại học Bách Khoa Hồng Kông (PolyU). Cho tới sáng thứ Tư (20/11), vẫn còn gần 100 người biểu tình trụ lại trong khuôn viên PolyU để đối đầu với cảnh sát.

Trước tình hình bạo lực leo thang tại Hồng Kông, Thượng viện Mỹ hôm 19/11 (giờ Mỹ) đã nhất trí thông qua Đạo Luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, một động thái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với người biểu tình tại Hồng Kông.

Phiên bỏ phiếu bằng lời diễn ra chóng vánh với toàn bộ 100 Thượng Nghị sĩ ủng hộ dự luật. Dự luật này sẽ được đưa trở lại Hạ viện, vốn cũng đã thông qua một phiên bản khác gần tương tự dự luật này.

Theo Reuters, hai Viện của Quốc hội Mỹ sẽ phải cùng làm việc để giải quyết những khác biệt trước khi gửi dự luật cuối cùng tới Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Trump cân nhắc ký duyệt thành Đạo luật.

Trước đó, hôm 18/11, trong khi cảnh sát Hồng Kông ráo riết vây bắt bất cứ người biểu tình nào tìm cách thoát ra ngoài trường PolyU, lãnh đạo Thượng viện Mỹ ông Mitch McConnell có bài phát biểu tại Thượng viện Mỹ cảnh báo Bắc Kinh chớ biến Hồng Kông thành “Thiên An Môn thế kỷ 21” và thúc giục Tổng thống Donald Trump chính thức lên tiếng về sự ủng hộ đối với cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Xuân Thành