Trong một tuần qua, Tổng thống Donald Trump đã tổ chức hơn chục cuộc tập trung chiến dịch để vận động tranh cử cho các ứng viên Đảng Cộng hòa. Các chiến dịch ‘Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’ này nhằm thúc giục cử tri bầu cho Đảng Cộng hòa để đảng này tiếp tục giữ đa số tại lưỡng viện, qua đó giúp Tổng thống Trump duy trì thực thi nghị trình ‘Nước Mỹ trên hết’ mà ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Embed from Getty Images

Hướng tới ngày bầu cử Quốc hội Mỹ 6/11 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump đã thực hiện tour vận động chiến dịch với chủ đề “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’ trên khắp cả nước với 11 cuộc tập trung chỉ trong 6 ngày gần đây, với các điểm dừng chân tại Florida, Indiana, Missouri, Montana và một số bang khác đang có sự cạnh tranh quyết liệt với Đảng Dân chủ.

Trong các buổi tập trung chiến dịch, ông Trump nhấn mạnh tới các chính sách đối nội nổi bật của Đảng Cộng hòa như cắt giảm thuế và giảm quy định hành chính.

Thực tế, những hành động của ông Trump cho tới nay đã kích thích nền kinh tế Mỹ phục hồi chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Ông Trump đang tiếp tục đấu tranh để đảm bảo an ninh biên giới và sửa lại hệ thống nhập cư mà ông xem là có nhiều thiếu sót cơ bản. Trong gần hai năm qua, các Thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng đã xác nhận hai thẩm phán Tối cao Pháp viện do ông Trump đề cử và đang chuyển dịch thế cân bằng nghiêng về bảo thủ tại các tòa án cấp thấp với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử.

Trong các bài phát biểu vận động chiến dịch của mình, ông Trump nhấn mạnh tới sự thành công của nghị trình làm việc của ông cùng Đảng Cộng hòa và cảnh báo người dân Mỹ rằng nếu họ bầu cho Đảng Dân chủ sẽ đe dọa tới các tiến bộ mà nước Mỹ đã có được cho tới nay.

Phát biểu trong buổi tập trung chiến dịch tại Chattanooga, bang Tennessee hôm 4/11, ông Trump nói: “Bây giờ chúng tôi đang bảo vệ biên giới của đất nước chúng ta. Do đó rất đơn giản, nếu quý vị muốn nhiều đoàn di cư bộ hành hơn và nhiều tội phạm hơn – vì tội phạm đi cùng với đoàn bộ hành, hãy bầu cho Đảng Dân chủ. Hãy bầu cho họ. Nếu quý vị muốn biên giới mạnh mẽ và cộng đồng an toàn, hãy bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa. Điều đó rất đơn giản”.

Về chính sách đối ngoại, ông Trump cảnh báo rằng quyết tâm khẳng định chủ quyền Mỹ trên trường quốc tế của ông có thể bị đình trệ nếu Đảng Dân chủ chiếm giữ Quốc hội và chôn vùi tổng thống trong các cuộc điều tra và vô số các vấn đề pháp lý mà họ đòi hỏi.

Thực tế, trong gần hai năm qua, Tổng thống Trump đã chống lại cuộc chiến tranh kinh tế kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc chống lại Mỹ; ký kết được thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bắc Hàn; nhiều lần trừng phạt Nga vì những hành động gây hại của nước nay trên lãnh thổ Mỹ và toàn cầu; và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, một hiệp định mà ông Trump và các đồng minh của ông xem đó là tai hại.

Tổng thống Trump cũng đã rút nước Mỹ khỏi các thỏa thuận đa phương mà ông và các đồng minh xem là các thỏa thuận một chiều, không có lợi cho nước Mỹ. Tổng thống của Đảng Cộng hòa cũng khẳng định vị thế độc lập của Mỹ từ các tòa án và tổ chức quốc tế, trong đó có Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) và Liên minh Bưu chính Toàn cầu.

Chúng tôi đang đặt nước Mỹ trên hết. Điều đó chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi đang đặt người Mỹ lên trên hết. Chúng ta đang chăm sóc bản thân chúng ta cho sự thay đổi”, ông Trump nói trong buổi tập trung chiến dịch tại Houston, bang Texas hôm 22/10.

Ông Trump nói thêm: “Nhưng Đảng Dân chủ cấp tiến muốn đảo ngược lại thời gian cho sự cai trị của những người toàn cầu hóa thèm khát quyền lực. Quý vị biết một người toàn cầu hóa là gì, đúng không? Một người toàn cầu hóa là người muốn toàn cầu làm tốt – thẳng thắn mà nói họ không quan tâm nhiều tới đất nước của chúng ta. Và bạn biết những gì? Chúng ta không thể có điều đó”.

Đặc biệt hơn nữa, cả ở trong và ngoài nước Mỹ, đối phó với chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội đang là một trong những kế hoạch quan trọng của ông Trump. Nghị trình này của Tổng thống cũng tương đồng với quan điểm của những người Cộng hòa. Trong khi đó, một số đảng viên Dân chủ đang công khai vận động chiến dịch với tư cách những người xã hội chủ nghĩa và một số khác đang cố che giấu quan điểm cực tả của họ để giành phiếu bầu.

Tổng thống Trump thường công khai lên án gay gắt cả chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Trong hai bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2017 và 2018, ông Trump đều gắn nhãn chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản với chết chóc và thảm họa. Ở Hàn Quốc, tổng thống Mỹ đã chế nhạo chủ nghĩa cộng sản là yếu tố quyết định tạo nên sự khác biệt rõ rệt giữa sự nghèo đói của Bắc Hàn và sự thịnh vượng ở Nam Hàn. Gần đây nhất, chính phủ Trump đã gọi Cuba, Venezuela và Nicaragua là “bộ ba chuyên chế” và là “cái nôi bẩn thỉu của chủ nghĩa cộng sản” tại Mỹ La-tinh.

Trong nội địa nước Mỹ, chính phủ Trump đang đảo ngược các chính sách xã hội chủ nghĩa như thuế cao và quy định hành chính tràn lan. Trong tuyên bố dứt khoát nhất chống lại các chính sách xã hội chủ nghĩa, Hội đồng Cố vấn Kinh tế của ông Trump đã phát hành một báo cáo vào tháng Mười xem xét các chi phí cơ hội của chủ nghĩa xã hội.

Báo cáo của Hội đồng Cố vấn Kinh tế kết luận rằng chính sách xã hội chủ nghĩa tại Mỹ sẽ dẫn tới thiếu hụt hoặc làm suy giảm chất lượng của bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào được chính phủ độc quyền, làm chậm tốc độ đổi mới và giảm chất lượng cuộc sống.

Chủ nghĩa cộng sản là quá khứ. Tự do là tương lai”, ông Trump nói tại Nhà Trắng hôm 4/11.

Trước thềm cuộc bầu cử, theo các cuộc thăm dò dư luận, Đảng Cộng hòa khả năng cao vẫn giữ đa số tại Thượng viện, nhưng có thể sẽ mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng các hãng khảo sát đưa ra số liệu này đều đã dự đoán sai kết quả bầu cử năm 2016.

Cuộc khảo sát do Rasmussen thực hiện – hãng thăm dò dư luận dự đoán gần đúng nhất cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cho thấy Đảng Cộng hòa đang hơn Đảng Dân chủ chỉ 1 điểm phần trăm. Trong khi, sai số khảo soát là trên, dưới 2 điểm phần trăm. Điều này cho thấy cuộc đua giành đa số ghế Quốc hội năm 2018 của hai đảng đang rất quyết liệt.

Một cuộc khảo sát khác của Rasmussen đo lường việc người Mỹ nói công khai thế nào về ý định bỏ phiếu của họ và kết quả cho thấy khả năng sẽ có một ‘làn sóng đỏ’ khác khởi nguồn từ cái gọi là “đa số im lặng” giống như năm 2016.

Trước cuộc bầu cử 2018 này, 60% đảng viên Dân chủ nói rằng họ nhiều khả năng nói với người khác về ý định bỏ phiếu của họ, trong khi chỉ 49% đảng viên Cộng hòa làm điều này. Khoảng cánh là 11 điểm phần trăm và là cao gần gấp đôi so với chênh lệnh trong cuộc khảo sát tương tự trước bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Khi đó, 52% đảng viên Dân chủ và 46% đảng viên Cộng hòa nói rằng họ có thể sẽ thông tin với người khác về ý định bỏ phiếu của mình.

Trong thông cáo báo chí mới phát hành, hãng khảo sát Rasmussen cho biết: “Một số nhà phân tích trước và sau chiến thắng [năm 2016] của ông Donald Trump đã cho rằng hầu hết các hãng thăm dò dư luận đều không phỏng vấn được  những cử tri âm thầm ủng hộ ông Trump trong số những người lo sợ bị chỉ trích khi họ công khai nói mình ủng hộ ai”.

Theo The Epoch Times,

Yên Sơn

Xem thêm: