Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Ba (11/8) nói rằng Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép pháp lý cho vắc-xin COVID-19 sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Động thái này được Moscow so sánh với thành công của họ trong cuộc đua vào không gian trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh.

Embed from Getty Images

Vắc-xin COVID-19 của Nga do Viện Gamaleya sản xuất được đặt tên là “Sputnik V”, gợi nhớ lại con tàu vũ trụ đầu tiên được Liên Xô phóng vào không gian. Tuy nhiên, vắc-xin này của Nga vẫn chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.

Việc Nga cấp phép cho vắc-xin COVID-19 trước khi hoàn tất thử nghiệm lâm sàng đã khiến một số chuyên gia dấy lên quan ngại về mức độ an toàn của sản phẩm này.

Theo Reuters, chỉ khoảng 10% các cuộc thử nghiệm lâm sàng của vắc-xin “Sputnik V” là thành công và một số nhà khoa học lo ngại rằng Moscow có lẽ đang đặt uy danh quốc gia lên trên an toàn sức khỏe.

Dù vậy, Tổng thống Putin và các quan chức khác của chính quyền Nga nói rằng vắc-xin vừa được phê duyệt là hoàn toàn an toàn. Ông Putin cũng tiết lộ rằng một trong số con gái của ông đã tham gia vào đội ngũ tình nguyện thử vắc-xin và sau đó cô cảm thấy khỏe.

Tôi biết rằng [vắc-xin] khá hiệu quả, tạo ra được khả năng miễn dịch mạnh mẽ và tôi nhắc lại rằng nó đã qua tất cả các bước kiểm tra cần thiết”, ông Putin nói trong một cuộc họp chính phủ.

Tập đoàn Sistema loan tin rằng họ dự kiến sẽ đưa vắc-xin “Sputnik V” vào sản xuất đại trà trước cuối năm nay.

Trong khi đó, Reuters dẫn thông tin từ các quan chức chính phủ Nga cho biết vắc-xin “Sputnik V” sẽ được tiêm trước cho nhân viên y tế và sau đó là giáo viên trên cơ sở tình nguyện vào cuối tháng Tám này hoặc sang đầu tháng Chín. Sản xuất vắc-xin “Sputnik V” đại trà tại Nga dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng Mười.

Ông Kirill Dmitriev, lãnh đạo quỹ thịnh vượng của Nga, cho biết Moscow đã nhận được yêu cầu đặt hàng 1 tỷ liều vắc-xin từ nước ngoài. Ông nói rằng vắc-xin của Nga cũng dự kiến sẽ được sản xuất tại Brazil.

Ông Dmitriev tiết lộ thêm rằng các cuộc thử nghiệm lâm sàng dự kiến cũng sẽ được triển khai sớm tại UAE và Philippines.

Theo Taiwan News, phát biểu trong một buổi họp báo vào tối 10/8, được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Philippines Duterte cho hay: “Tôi sẽ nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng tôi có niềm tin lớn vào những nghiên cứu của các bạn trong cuộc chiến đấu với COVID-19 và tôi tin rằng vắc-xin mà các bạn sản xuất sẽ thực sự tốt cho nhân loại”.

Khi vắc-xin này đến [nước tôi], bản thân cá nhân tôi sẽ tiêm nó công khai. Tôi trải nghiệm đầu tiên, đó là tốt cho tôi”, tổng thống Philippines nói thêm.

Ông Duterte trước đây đã từng gọi Tổng thống Vladimir Putin là “thần tượng” của ông và cũng đang tìm cách thúc đẩy mối quan hệ với Nga, nhấn mạnh thêm rằng Manila có thể hỗ trợ Moscow trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng và sản xuất tại địa phương.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc ta đã đặt nghi vấn về tốc độ Nga phê duyệt vắc-xin do họ sản xuất.

Ông Peter Kremsner tại Bệnh viện Đại học ở Tuebingen, Đức, nơi cũng đang thử nghiệm lâm sàng một loại vắc-xin ngừa COVID-19, cho biết: “Bình thường bạn cần số lượng lớn người tham gia thử nghiệm trước khi bạn phê duyệt một loại vắc-xin… Theo khía cạnh đó, tôi cho rằng sẽ là liều lĩnh để thực hiện phê duyệt [vắc-xin] nếu chưa có nhiều người được thử nghiệm”.

Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cho biết ông chưa nghe thấy bất ký bằng chứng nào cho thấy vắc-xin đó [của Nga] đã sẵn sàng cho việc sử dụng trên diện rộng.

Tôi hy vọng rằng người Nga đã thực sự chứng minh được chính xác rằng vắc-xin này là an toàn và hiệu quả. Tôi cực kỳ nghi ngờ rằng họ đã làm điều đó”, ông Fauci nói với tờ National Geographic trong một sự kiện tuần trước.

Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar khi được hỏi về việc Nga thông báo phê duyệt vắc-xin COVID-19, ông nói rằng an toàn là ưu tiên tối thượng và những cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối là quan trọng. Ông Azar cho biết Mỹ đang trên lộ trình sản xuất vắc-xin hiệu quả trước cuối năm nay và hiện có 6 loại vắc-xin tiềm năng đang được các công ty bào chế.

Vấn đề ở đây không phải là vắc-xin đầu tiên. Vấn đề là phải có vắc-xin an toàn và hiệu quả”, ông Azar nói trên kênh ABC News.

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay trên toàn thế giới có hơn 100 loại vắc-xin COVID-19 đang được bào chế và tối thiểu 4 loại đang bước vào giai đoạn cuối cùng – thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trên người.

Như Ngọc

Xem thêm: