Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 bị cáo khác diễn ra tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội từ ngày 8/1 và dự kiến kéo dài trong hai tuần. Mặc dù truyền thông nước ngoài không được phép tham dự phiên tòa, nhưng các tờ báo lớn quốc tế vẫn đưa tin khá đậm về phiên xử án rất đáng chú ý này.

AFP Dinh La Thang
AFP đăng hình ảnh ông Đinh La Thăng bị còng tay đưa tới phiên xử án hôm 8/1

Hầu hết các hãng thông tấn hàng đầu thế giới như Reuters, Fox News, BBC, AFP, CNBC, France24, ABC News, Financial Times, Japan Times, ChannelNewsAsia…đều truyền tải thông tin về phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng – nguyên Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.

Reuters (Anh Quốc) hôm thứ Tư (10/1) đăng bài viết với tiêu đề: “Phiên xử án tham nhũng lớn nhất Việt Nam, một số quan điểm hoài nghi”. Tác giả Mi Nguyen và Alex Dobuzinskis mô tả khá kỹ về diện mạo của bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm khác khi đến phiên tòa: “[Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh] cùng 20 bị cáo khác được đưa đến tòa trong tình trạng bị còng tay, mặc quần áo giản dị, mái tóc không được cắt gọn gàng, tương phản với hình ảnh chỉnh chu khi những nhân vật này còn đương chức”.

Hãng tin Anh Quốc thừa nhận không thể tiếp cận, liên lạc các bị cáo, cũng như luật sư của họ để phỏng vấn. Reuters dẫn theo nguồn tin từ báo chí trong nước Việt Nam cho rằng ông Đinh La Thăng và các bị cáo khác bị buộc tội làm thất thoát hàng trăm triệu USD tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).

>>Ông Đinh La Thăng bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất 20 năm tù

Reuters đã phỏng vấn người dân Hà Nội đứng ngoài quan sát phiên tòa. Ông Vũ Văn Thưởng, một doanh nhân về hưu, 60 tuổi, nói với Reuters rằng: “Phiên tòa này đã dấy lên tiếng nói chống tham nhũng, nhưng chưa đủ hiệu quả. Ngay cả khi tài sản bị biển thủ được bồi hoàn, nếu chính sách không thay đổi, thì quốc gia này sẽ vẫn nghèo khó”.

Reuters cũng phản ánh tiếng nói hoài nghi trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt về công cuộc chống tham nhũng của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Người gốc Việt định cư ở Mỹ ước tính khoảng 1,3 triệu người, chủ yếu sống ở Little Sài Gòn, Quận Cam, bang California.

Theo Reuters, rất ít người Mỹ gốc Việt coi phiên tòa xử nguyên Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng lần này là bước khởi đầu của sự thay đổi thực sự, có thể chấm dứt tham nhũng tại một quốc gia xếp hạng hạng 113 trong số 176 quốc gia về chỉ số tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố gần đây.

Khác với Reuters, hãng tin AFP của Pháp khi đưa tin về phiên tòa hôm 8/1, tập trung nhiều hơn vào bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nhân vật đang gây sự chú ý của báo giới quốc tế khi phía chính phủ Đức cáo buộc chính quyền Việt Nam đã “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại thủ đô Berlin hồi tháng 7/2017.

>>Tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh

AFP nhận định rằng sau hai tuần xử án các ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh khả năng sẽ phải chịu mức hình phạt 20 năm tù giam. Hãng tin Pháp nói thêm rằng ông Thanh có thể sẽ phải bồi hoàn một khoản tiền lớn nếu không muốn chịu án cao nhất là tử hình.

Tờ ABC News (Mỹ) đưa tin ông Đinh La Thăng, 57 tuổi, bị cáo buộc “cố ý làm trái quy định quản lý nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng” trong điều hành các dự án của PetroVietnam và các công ty thành viên. Hãng tin của Mỹ cũng nêu chi tiết về trường hợp giới chức Việt Nam “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức vào mùa hè 2017 và phía Đức phản ứng bằng việc trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam.

ABC News cho biết phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul nói rằng đại diện của sứ quán Đức tại Hà Nội đã có mặt trong phòng xử án. “Chúng tôi sẽ quan sát [phiên tòa này] chặt chẽ và sau đó đánh giá xem điều này có ý nghĩa gì đối với chính sách của chúng tôi”, ông Reul nói.

Tờ BBC nhận định ông Đinh La Thăng có thể lĩnh án 20 năm tù giam, trong khi các cựu lãnh đạo khác của PetroVietnam không loại trừ khả năng sẽ bị kết án tử hình. Đáng chú ý, BBC dẫn lời các nhà phân tích chính trị nước ngoài cho rằng công cuộc chống tham nhũng của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, đang nhắm chủ yếu vào việc “hạ bệ” các đối thủ chính trị.

Các tờ France24, Japan Times và ChannelNewsAsia, cùng nhiều hãng tin quốc tế khác dẫn lại tin tức từ Reuters và AFP.

Hùng Cường (T/h)

Xem thêm: