Trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua, ông Kim Jong-un lần đầu công khai rằng sẽ “từ bỏ vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên các cơ quan truyền thông chính thức của Bắc Triều Tiên không đề cập đến vấn đề này. Truyền thông Mỹ có phân tích vì sao ông Kim Jong-un không thể hứa “phi hạt nhân hóa” với người dân Bắc Triều Tiên.

kim jong un
Ông Kim Jong-un trong cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình (Ảnh cắt từ video của CCTV)

Chuyến viếng thăm Trung Quốc âm thầm của ông Kim Jong-un đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Tân Hoa xã Trung Quốc đưa tin, ông Kim Jong-un chia sẻ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết bằng biện pháp đồng bộ, theo tính giai đoạn; và bày tỏ hy vọng có thể đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ.

Nhưng các cơ quan truyền thông chính thức của Bắc Triều Tiên lại không đề cập đến những nội dung này khi đưa tin.

Về vấn đề này, có phân tích cho rằng, vì ông Kim Jong-un không thể hứa cụ thể vấn đề “phi hạt nhân hóa” đối với người dân Bắc Triều Tiên. Một nhận định từ Reuters thì chỉ ra, xưa nay ông Kim Jong-un đã luôn quảng bá công khai vấn đề vũ khí hạt nhân là một phần không thể tách rời của tính hợp pháp và quyền lực của chế độ do ông ta cầm quyền. Vì vậy, nếu ông Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân thì thân phận lãnh đạo độc tài của ông ta có thể bị lung lay mạnh.

Cùng quan điểm, giới chuyên gia Hàn Quốc có phân tích cho rằng, hội nghị thượng đỉnh với Mỹ có thể là chiêu trò của ông Kim Jong-un, ông ta muốn làm dịu áp lực mà Bắc Triều Tiên phải chịu đựng vì lệnh trừng phạt, nhưng ông tuyệt đối sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Giáo sư Jeon Young-sun thuộc Đại học Konkuk tại Hàn Quốc thì nhận định, đối với chúng tôi, quả bom hạt nhân là vũ khí quân sự chiến lược. Tuy nhiên, đối với Bắc Triều Tiên, ý tưởng về vũ khí hạt nhân gần như tương đương với một loại tôn giáo, đó là sự đảm bảo cho tâm lý của họ. Vì thế với chế độ Kim Jong-un, tuyên bố muốn mở hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, phần nào đó cũng hàm nghĩa đối với nhà cầm quyền nước này thì tiến trình phi hạt nhân hóa là sự mạo hiểm.

Theo phân tích của nghiên cứu viên cao cấp Cho Han-beom thuộc Viện Nghiên cứu Thống nhất Hàn Quốc (Korea Institute for National Unification), xưa nay ông Kim Jong-un đã luôn luôn xem việc sở hữu vũ khí hạt nhân như thành tích của ông ta, nếu ông ta công bố phi hạt nhân hóa sẽ rơi vào nguy cơ mất uy quyền và tính hợp pháp của chế độ.

Trước đó, Giáo sư John Mearsheimer thuộc Đại học Chicago tại Mỹ chia sẻ trên truyền thông Hàn Quốc rằng, khả năng Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân là rất thấp, chỉ khoảng 0,05%, ở giữa 0% và 1%. Tính cho rộng rãi thì là 1%.

Giáo sư Mearsheimer cho biết, Mỹ muốn Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng khả năng để đạt được là số không, chưa kể đến Bắc Triều Tiên cũng thừa nhận việc từ bỏ chương trình hạt nhân đối với họ là một hành động ngu ngốc, Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân. Nhưng vấn đề là Trung Quốc cũng sẽ không gây áp lực đối với Bắc Triều Tiên về vấn đề này.

Ông Chu Thần Minh (Zhou Chenming) chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, phát ngôn phi hạt nhân hóa của Kim Jong-un là đề nghị được lên kế hoạch cẩn thận và có điều kiện, Kim Jong-un biết thừa cơ hội căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh.

Ông Chu Thần Minh cho rằng, mặc dù dưới lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc hiện nay, Trung Quốc có thể không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ đáng kể nào dành cho Bắc Triều Tiên, tuy nhiên những phát ngôn gần đây của ông Kim Jong-un, ít nhất đã giúp ông ta có thêm thời gian để đàm phán với Mỹ.

Theo Kyodo News của Nhật Bản, ông Kim Jong-un lựa chọn chuyến thăm nước ngoài đầu tiên là Bắc Kinh và đưa ra quan điểm phi hạt nhân “mang tính giai đoạn” là để tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, chiến thuật trì hoãn này nhiều khả năng gây chia rẽ mới giữa Trung Quốc và Mỹ trong chính sách về Bắc Triều Tiên.

Nhưng sau chuyến thăm của ông Kim Jong-un tại Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Trump cho biết, việc áp dụng biện pháp trừng phạt tối đa và gây áp lực với Bắc Triều Tiên vẫn phải được duy trì bằng mọi giá. Điều này cho thấy quyết tâm của ông Trump trong giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, có thể xem đây như là lời cảnh báo với Bắc Triều Tiên hoặc Bắc Kinh.

Minh Anh

Xem thêm: