Trong chương trình tổng kết năm 2017, Đài Truyền hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV) đã phát hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội nước này bồi đắp Đá Chữ Thập thành đảo lớn thứ ba tại quần đảo Trường Sa, xây sân bay quân sự gần 3km. Philippines lập tức kêu gọi đàm phán trên nền tảng song phương và đa phương.

fiery cross aerial
Hình ảnh đường băng trên Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa (Ảnh: Asia Times)

Trang tin Asia Times có trụ sở tại Hồng Kông hôm 4/1 cho biết Đá Chữ Thấp hiện tại đã xuất hiện đường băng dài 3.125m, giúp máy bay ném bom chiến lược 6K có thể đổ bộ thành công.

Cũng theo Asia Times, hòn đảo này cũng được Trung Quốc xây dựng một bệnh viện, nhiều cơ sở hạ tầng quân sự, trong đó có các hệ thống radar cảnh báo sớm và vũ khí cận chiến. Ngoài ra, trên đảo cũng có tới 200 lính hải quân Trung Quốc đồn trú thường trực.

Tờ PhilStar (Philippines) cho biết hai hãng viễn thông lớn Trung Quốc là China Mobile và China Unicom đã xây dựng các trạm phát sóng trên Đá Chữ Thập, cung cấp hạ tầng thông tin liên lạc 4,5G.

Tờ báo của Philippines nhận định Đá Chữ Thập hiện tại đã được chế độ Bắc Kinh bồi đắp trở thành hòn đảo lớn thứ ba tại Trường Sa.

Trước đó, vào tháng 6/2015, trang mạng online Sina của Trung Quốc lần đầu đăng các hình ảnh về Đá Chữ Thập, trong đó chỉ thể hiện các vườn trồng rau, chăn nuôi gia súc và binh lính nữ…nhằm khẳng định Trung Quốc đang kiểm soát hoàn toàn hòn đảo nhân tạo này.

Cho tới tháng 1/2016, Trung Quốc thông tin về hai chuyến bay dân sự thành công tới Đá Chữ Thập. Những khách du lịch Trung Quốc đầu tiên được đưa tới đây là vợ và con của sĩ quan và binh lính đang đồn trú trên đảo. Kể từ sau đó, hòn đảo này trở thành một trung tâm hậu cần quân sự của Trung Quốc tại biển Đông.

Tháng 4/2016, Trung Quốc lần đầu công khai việc đưa máy bay quân sự tới Đá Chữ Thập. Hoạt động này nhằm đón các công nhân xây dựng bị thương về đất liền điều trị.

Philippines và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền tại Đá Chữ Thập.

Sau các báo cáo của CCTV, Bộ Ngoại giao Philippines đã phát đi tuyên bố kêu gọi đối thoại với Trung Quốc.

Philippines theo đuổi đối thoại thân thiện nhưng thẳng thắn với các bên liên quan về vấn đề biển Đông thông qua nhiều nền tảng song phương và đa phương”, tờ PhilStar dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines (DFA).

DFA cũng lặp lại tuyên bố rằng Philippines sẽ không bao giờ từ bỏ lãnh thổ của mình trong khu vực tranh chấp như các phát biểu trước đây của Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh: “Ngoại trưởng Cayetano đã nhiều lần tuyên bố rằng Philippines sẽ không từ bỏ một inch lãnh thổ của mình trên biển Đông”.

Thực thế, theo phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc vào tháng 7/2016, Trung Quốc không có quyền kiểm soát biển Đông theo yêu sách đường 9 đoạn mà nước này vẽ ra. Tòa án Trọng tài cũng khẳng định rằng việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng các công trình trên Đá Chữ Thập đã vi phạm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển theo Công Ước Luật Biển 1982.

Tuy nhiên, sau khi đắc cử Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã đảo ngược các chính sách biển đảo của người tiền nhiệm Benigno Aquino, không tiếp tục xúc tiến thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài, quay sang kết thân với Trung Quốc và hy vọng giải quyết căng thẳng với Bắc Kinh thông qua đàm phán, thương lượng.

Hùng Cường (T/h)

Xem thêm: