“Xây dựng ‘Một vành đai, Một con đường’ cần phải nắm chắc được châu Âu”, trang web của Văn phòng thông tin Trung ương thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã cho đăng bình luận gây sốc như vậy, và điều này cũng thể hiện rõ tầm quan trọng của châu Âu đối với Trung Quốc. Dù là hợp tác công nghệ quân sự, “Hợp tác 16+1” hay là sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, thủ đoạn mà Trung Quốc “tiến quân” vào Đông Âu đã khiến Liên minh châu Âu (EU) phải gióng lên hồi chuông cảnh báo.

liên minh châu âu
Trụ sở liên minh châu Âu (Ảnh từ Wikimedia)

Thông qua hợp tác công nghệ quân sự để mở rộng sức ảnh hưởng tại Trung và Đông Âu

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ngoài việc tập trung vào đẩy mạnh các công trình của kế hoạch “Một vành đai, Một con đường”, đồng thời Trung Quốc cũng lợi dụng hợp tác công nghệ quân sự để mở rộng sức ảnh hưởng ở Trung Âu và Đông Âu.

Bản tin của VOA cho biết, Trung Quốc tham gia vào triển lãm vũ khí tại Cộng hòa Séc, củng cố địa vị của Đông Âu một cách âm thầm, đồng thời giúp đỡ Belarus và Ukraina phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo. Ukraina gần đây cũng đã thử thành công một số loại vũ khí tên lửa đạn đạo và bị nghi ngờ là liên quan đến Trung Quốc cung cấp các thành phần điện tử.

Nhà phân tích quân sự Ukraina Sugulovski nói, Ukraina và Trung Quốc đã có hợp tác công nghệ quân sự từ lâu.

Tổng thống Belarus Aliaksandr Ryhoravič Lukašenka cũng từng công khai nhắc đến sự giúp đỡ về công nghệ quân sự của Trung Quốc. Hai bên cùng hợp tác nghiên cứu chế tạo hệ thống tên lửa tầm xa “Polonez”, và dựa vào cơ sở này nghiên cứu phát minh ra hệ thống chiến thuật tên lửa đạn đạo đã được trình diễn trong lễ duyệt binh và triển lãm vũ khí tại Belarus.

Năm ngoái, Ukraina đã phải vội vã buộc dừng vụ doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm công ty chiến lược của Ukraina là công ty động cơ hàng không Motor Sich, thời điểm đó, thông tin này cũng đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Motor Sich là một trong những công ty sản xuất động cơ máy bay trực thăng lớn nhất thế giới, và cũng là doanh nghiệp duy nhất của Ukraina có năng lực chế tạo động cơ máy bay, máy bay trực thăng và tua-bin công nghiệp, được ví như “trái tim ngành hàng không của Ukraina”. Từ thời Liên Xô, sản phẩm của doanh nghiệp này đã xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia. Các nước châu Âu như Đức, Hungary, Ba Lan, Thụy Sĩ đều là khách hàng của Motor Sich.

Tập đoàn Công nghiệp hàng không Thiên Kiều Bắc Kinh (Beijing Skyrizon Aviation Industry Investment) vào năm ngoái đã mua được 56% cổ phần của Motor Sich. Tuy nhiên vụ giao dịch này cuối cùng vẫn phải do Ủy ban chống độc quyền Ukraina phê chuẩn, mùa hè năm ngoái, khi thương vụ này được đưa lên báo chí đã khiến cho chính phủ Ukraina phải cảnh giác và lập tức buộc dừng lại.

VOA đưa tin nói: “Trung Quốc suýt chút nắm doanh nghiệp hàng không quan trọng của Ukraina”.

Trung Quốc có ý đồ thông qua Trung Âu và Đông Âu để thâm nhập vào Tây Âu

Năm 2012, chính quyền Trung Quốc và 16 nước thuộc trung Âu và đông Âu cùng xây dựng “Hợp tác 16+1” và công trình “Một vành đai, Một con đường”, tuy nhiên từ đó đến nay các kế hoạch này vẫn luôn bị EU lên án.

Tại hội nghị thượng đỉnh “Hợp tác 16+1” hồi tháng Bảy năm nay, Thứ trưởng Bulgaria là ông Georg Georgiev đã chia sẻ vơi Hãng tin Reuter: “Mục đích của chúng tôi chủ yếu là tăng cường sự tồn tại của doanh nghiệp Trung Quốc tại Bulgaria và toàn bộ khu vực đông Âu”.

Theo Reuter, kiểu tập trung như thế này không được EU hoan nghênh, bởi vì họ cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐSCTQ) đang có ý đồ phân hóa châu Âu.

Năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh “Hợp tác 16+1” được diễn ra tại Hungary, Trung Quốc tiếp tục vung lượng tiền lớn để mở rộng ảnh hưởng, tuyên bố cung cấp 3 tỷ Đô la Mỹ cho Đông Âu dùng để đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng tại đây và một số hạng mục hợp tác song phương giữa Trung Quốc và các nước Đông Âu khác.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Hungary Orban đã gọi công trình đường sắt cao tốc nối Hungary và thủ đô Serbia do Trung Quốc đầu tư, cải tạo và nâng cấp là “công trình đầu tiên” mà Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng tại đông Âu.

Tờ Tin tức kinh tế Nhật Bản (Nihon Keizai Shimbun) đưa tin, công trình quan trọng trong kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” tại châu Âu mặc dù đã được cử hành nghi thức khởi công vào tháng 11/2017, nhưng sau 6 tháng, công trường thi công đã bị cỏ mọc phủ kín, dường như không có bất cứ dấu hiệu hoạt động thi công nào. Nguyên nhân là do EU ngăn cản.

Bản tin cho biết, lo lắng ĐCSTQ đang tích cực mở rộng sức ảnh hưởng của mình tại Đông Âu, nên EU đã cảnh báo Hungary và các nước thành viên khác, tập đoàn tài chính do Tập đoàn đường sắt Trung Quốc (China Railway Group Limited) chủ đạo nắm công trình này, rất có thể đã vi phạm nguyên tắc công khai mời thầu của EU đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Do đó, Hungary buộc phải tiến hành mời thầu công khai đối với bộ phận công trình đường sắt, và hiện tại dự tính công việc này sẽ bị kéo dài đến năm 2023 mới hoàn thành.

Sự ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với châu Âu đã bắt đầu từ nhiều năm trước. BBC dẫn nguồn tin từ trang đầu của “Báo diễn đàn quốc tế tiên phong” (hiện nay gọi là Thời báo quốc tế New York) năm 2010 có tiêu đề “Đông Âu đã lắp ván cầu cho Trung Quốc đi đến Tây Âu”.

Bài viết bắt đầu nói từ một ngôi trường tiểu học song ngữ tiếng Hungary và tiếng Trung  ở Budapest (Thủ đô Hungary), trong hội trường của trường học treo lịch năm Trung Quốc và bức hoành phi bằng chữ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cung cấp sách giáo khoa cho trường học, mỗi năm còn cử 2 người Trung Quốc giáo viên đến đây.

Bài viết nói, ngoài việc giáo dục, Trung Quốc còn đầu tư nhà máy điện tử và hóa học ở các nước Đông Âu, với ý đồ liên tục mở rộng chỗ đứng ở thị trường này.

Cuối bài viết có nói, Trung Quốc đang tìm một con đường tương đối tốt, để có thể tiến vào thị trường EU từ con đường này.

Theo VOA, Trung Quốc vẫn luôn lợi dụng mở rộng đầu tư để mở rộng ảnh hưởng tại Cộng hòa Séc và Đông Âu. Trong đầu tư tại Cộng hòa Séc của Trung Quốc, Tập đoàn Hoa Tín (China Energy Company Limited) đóng vai trò quan trọng. Hoa Tín nắm cổ phần các câu lạc bộ bóng đá, nhà máy sản xuất rượu, hãng du lịch, công ty hàng không và khách sạn của Cộng hòa Séc.

Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Mercator Institute for China Studies, Đức) và Trung tâm nghiên cứu Chính sách Công cộng toàn cầu Berliner (Berliner Global Public Policy Institute, Đức) đã chỉ ra, do cần có đầu tư dựa vào Trung Quốc, các quốc gia Hy Lạp hoặc Hungary có khuynh hướng bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Trong đó, nhiều năm nay Hy Lạp đã ngập trong khủng hoảng nợ, nên đã chấp nhận lượng lớn nguồn vốn từ Trung Quốc. Năm 2017, Hy Lạp đã ngăn cản tuyên bố chung EU có mục đích lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền và khuếch trương tại biển Đông, đồng thời cũng ngăn cản EU đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt đối với đầu tư từ Trung Quốc vào Hy Lạp.

Một số học giả về vấn đề châu Âu của Nga cho rằng, trước khi sứt mẻ với phương Tây, Nga thông qua phát triển các mối quan hệ song phương với từng nước thành viên EU để chống lại cơ cấu quan liêu của EU ở Thành phố Bruxelles (Thủ đô Bỉ), Trung Quốc có lẽ cũng sẽ lựa chọn sách lược này của Nga.

Dã tâm của Trung Quốc tại Đông Âu đã khiến EU phải gióng lên hồi chuông cảnh báo

Tháng 11/2017, trang web “Chính trị” (Politico) của Mỹ đã đăng một bài viết có tiêu đề “Trung Quốc đã vấp phải chướng ngại vật ở châu Âu”, theo bài viết, ở Trung và Đông Âu, nhất là ở khu vực Balkan, các hành động mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc khiến EU phải gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Thời báo Tài chính (Financial Times, Anh) phân tích cho rằng, Trung Quốc vươn tay tới Đông Âu khiến EU cảm thấy lo lắng và bất an. Nỗ lực tăng thêm sức ảnh hưởng của ĐCSTQ đang bị EU ngăn cản.

Hồi tháng Một năm nay, truyền thông Đức đưa tin,  Bộ trưởng Kinh tế Đức Matthias Machnig tiết lộ, Đức, Pháp, Italia cùng soạn một dự thảo lập pháp liên quan đến đầu tư, nhằm yêu cầu EU có kiểm soát chặt chẽ hơn đối với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, và  hiệu quả của dự luật này là ngăn chặn được đầu tư có mục đích của Trung Quốc.

Tờ tin tức châu Âu (EURACTIV) gần đây đã đăng một bài viết có tựa đề “Châu Âu cần thức tỉnh đối với sức ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc”. Một trong những tác  giả của bài viết này là Matej Šimalčík – Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á ở Bratislava (thủ đô của Slovakia), phụ trách nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc – châu Âu, và sức ảnh hưởng của Trung Quốc tới khu vực này.

Bài viết chỉ ra, Trung Quốc xâm nhập châu Âu đang trở thành các chủ đề quan trọng trong chính phủ Bỉ và các nước châu Âu. Cơ quan mặt trận thống nhất Trung Quốc, phụ trách thúc đẩy lợi ích của ĐCSTQ ở nước ngoài, Học viện Khổng Tử nằm trong các trường đại học lớn ở nước ngoài đã thu hút được sự nghiên cứu sâu đánh giá về tác động và sự chú ý của truyền thông các nước như Australia và New Zealand. Dù vậy, tại châu Âu, phương diện này mới được bắt đầu để ý tới.

Tác giả kêu gọi, EU lấy bồi dưỡng chuyên gia về vấn đề Trung Quốc làm ưu tiên. Xây dựng diễn đàn công cộng và phản biện công cộng, tập trung những nhân sĩ ở các khu vực khác nhau có bối cảnh khác nhau để cùng thảo luận các vấn đề mà cộng đồng quan tâm, ví dụ như “Một vành đai, Một con đường”.

Huệ Anh

Xem thêm: