Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để đóng vai trò xây dựng tại Venezuela và giúp quốc gia Nam Mỹ này quay trở lại con đường phát triển bình thường càng sớm càng tốt.

Embed from Getty Images

Ông Tập nói với hãng tin TASS và báo Rossiyskaya Gazeta rằng Trung Quốc “phản đối sự can thiệp của nước ngoài, các biện pháp trừng phạt đơn phương, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với Venezuela”.

Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để đóng vai trò tích cực và mang tính xây dựng để giải quyết vấn đề Venezuela,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập trước khi ông đến Nga hôm 5/6.

Trung Quốc cũng sẵn sàng để giúp Venezuela trở lại con đường phát triển bình thường càng sớm càng tốt,” ông Tập nói.

Phát ngôn của ông Tập dường như chĩa mũi dùi về phía chính quyền Trump tại Mỹ. Mỹ là nước đầu tiên công nhận lãnh đạo phe đối lập tại Venezuela Juan Guaido là tổng thống chính danh và phủ nhận vị trí của ông Nicolas Maduro – một đồng minh của Trung Quốc. Hơn thế, ông Trump còn ra một loạt các chế tài khắc nghiệt nhằm bóp nghẹt nguồn kinh tế của chế độ Maduro.

Hầu hết các nước phương Tây đã theo chân Mỹ ủng hộ Guaido làm nguyên thủ quốc gia nhưng ông Maduro vẫn giữ được sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga và Cuba.

Hôm 3/6, Tổng thống Trump tiết lộ Nga đã cho rút gần hết nhân sự của mình ở Venezuela về nước, một động thái được cho là để chiều lòng Mỹ.

Trung Quốc về mặt khác, có lợi ích bám chặt ở Venezuela từ nhiều thập kỷ trước khiến cho nước này khó có thể buông tay, bất chấp các áp lực từ Mỹ. Năm 2001, lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân đã đích thân tới Venezuela để bàn chuyện làm ăn với đối tác vừa chuyển mình theo đường lối chủ nghĩa xã hội này. 

Từ năm 2007 đến năm 2014, Trung Quốc cho Venezuela vay 63 tỷ USD, và yêu cầu đảm bảo trả nợ bằng dầu mỏ. Vào năm 2016, giá dầu sụt giảm nghiêm trọng trên thị trường quốc tế, Venezuela gánh trên mình món nợ khổng lồ. Theo ước tính của Bộ Công thương Trung Quốc, Venezuela vẫn nợ Trung Quốc khoảng 20 tỷ USD, cộng thêm hàng tỷ đô đầu tư trực tiếp đổ vào hằng năm. Ngoài ra, từ lâu Trung Quốc đã đem hàng loạt các công ty của mình sang thống trị nền kinh tế nội địa Venezuela, từ khai khoáng, viễn thông, điện thoại đến sản xuất đồ gia dụng.

Bắc Kinh còn là nguồn cung cấp vũ khí lớn thứ 2 cho chế độ Maduro sau Nga.

Vì thế, nếu chế độ Maduro bị Mỹ bóp nghẹt đến sụp đổ thì Trung Quốc sẽ mất trắng các khoản nợ cũng như gặp rủi ro lớn trong các dự án đang đầu tư. Ngoài ra, Venezuela là một mắt xích trong sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường (BRI) của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc gây dựng ảnh hưởng ở nước ngoài.

Do đó, mặc dù chế độ Maduro đang khủng hoảng trầm trọng, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không từ bỏ vùng đất màu mỡ Nam Mỹ này. Một mặt để bảo vệ số tiền khổng lồ đã đầu tư ở đây, một mặt muốn giữ đặc quyền khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào.

Trong khi đó, nỗ lực kêu gọi quân đội quay lưng với Maduro gần đây của ông Guaido đã thất bại, diễn biến tại Venezuela vẫn giằng co phức tạp.

Đáp trả các yêu cầu về từ chức hoặc tổ chức bầu cử tổng thống sớm, ông Maduro hôm 20/5 đề xuất bầu cử Quốc hội sớm trong lúc cơ quan này vẫn đang do lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido điều hành.

Phe đối lập giành được đa số tại Quốc hội Venezuela năm 2015 và cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo được lên kế hoạch vào cuối năm 2020.

Trong bài diễn văn tại cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ, Maduro đe dọa “sẽ hợp pháp hóa tổ chức duy nhất chưa được hợp pháp hóa trong 5 năm qua”, ý nói đến quốc hội nước này.

Tháng 1/2019 Juan Guaido, nguyên là Chủ tịch Quốc hội đã sử dụng Hiến Pháp Venezuela, tuyên bố làm tổng thống lâm thời và Maduro đang giữ vị trí không chính đáng do gian lận bầu cử.

Ông Guaido tố cáo Maduro là kẻ tiếm quyền, đưa ra những chính sách thất bại khiến Venezuela rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Maduro tố cáo ngược lại Guaido đã dàn dựng cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn chống lại chính quyền xã hội chủ nghĩa.

Đức Trí

Xem thêm: