Giới chức Trung Quốc hôm thứ Tư (19/2) thông báo rằng họ đã thu hồi thẻ tác nghiệp báo chí tại Trung Quốc của ba phóng viên Nhật báo Phố Wall (WSJ) và yêu cầu những người này phải rời Trung Quốc trong vòng 5 ngày. 

Embed from Getty Images

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sáng nói trong buổi họp báo hôm 19/2 rằng Bắc Kinh đưa ra quyết định trục xuất ba phóng viên của WSJ là để đáp trả bài bình luận của tờ báo này hôm 3/2 có tiêu đề “Trung Quốc – con bệnh thực sự của châu Á”.

Ông Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo rằng phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo nghiêm khắc WSJ về bài báo mà ông nói rằng nó có “tiêu đề phân biệt chủng tộc” và làm mất uy tín của chính phủ Trung Quốc. Ông Cảnh cho biết WSJ đã không đưa ra lời xin lỗi chính thức khi chế độ Trung Quốc yêu cầu và người phát ngôn này đã đe dọa Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo nếu cần.

Chúng tôi “không hoan nghênh các phương tiện truyền thông đưa ra tiếng nói phân biệt chủng tộc và vu khống độc hại,” ông Cảnh nói thêm.

Theo WSJ, phó Trưởng đại diện WSJ tại Trung Quốc Josh Chin, phóng viên Chao Deng, cả hai đều có quốc tịch Hoa Kỳ và phóng viên Philip Wen, quốc tịch Úc đã bị yêu cầu rời khỏi Trung Quốc trong vòng 5 ngày kể từ ngày 19/2. WSJ lưu ý thêm rằng cả ba phóng viên bị trục xuất này không có ai liên quan tới bài bình luận đăng trên WSJ mà Trung Quốc đề cập.

Đáng chú ý, Trung Quốc thông báo trục xuất ba phóng viên của WSJ chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ liệt 5 hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc là các phái bộ nước ngoài và hoạt động theo chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc.

>>Hoa Kỳ bắt truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng ký nhân viên và tài sản

5 hãng thông tấn này sẽ phải nhận được sự phê duyệt của giới chức Hoa Kỳ nếu muốn mua hoặc thuê bất kỳ tài sản nào tại Mỹ. Họ cũng được yêu cầu phải chuyển tất cả danh sách nhân viên, gồm cả số lượng lớn các công dân Mỹ, cho nhà chức trách Washington.

Ông Cảnh Sảng không liên kết quyết định mới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với yêu cầu trục xuất phóng viên WSJ, nhưng nói rằng Trung Quốc “lấy làm tiếc và phản đối quyết định sai lầm đó”.

Ông William Lewis, lãnh đạo của công ty phát hành WSJ phát đi tuyên bố nói rằng doanh nghiệp này “cực kỳ thất vọng” với động thái của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Nhưng ông William Lewis cũng nói rằng WSJ lấy làm tiếc rằng bài báo nêu trên “rõ ràng đã làm người dân Trung Quốc khó chịu và lo lắng”.

Các trang bình luận của chúng tôi thường đăng tải các bài viết với những ý kiến mà có người phản đối hoặc có người ủng hộ, [nhưng] chúng tôi không có chủ ý gây ra sự xúc phạm với tiêu đề bài báo trên,” ông William Lewis nói.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã chỉ trích quyết định của Trung Quốc, nói rằng “phản ứng đúng với bài báo đó là phải đưa ra các lập luận phản biện, chứ không phải hạn chế ngôn luận.

Các quốc gia có trách nhiệm, phát triển hiểu rằng báo chí tự do có quyền đưa tin sự thật và bày tỏ quan điểm,” ông Pompeo nói. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết Washington hy vọng thấy người dân Trung Quốc “được tiếp cận thông tin chính xác và tự do ngôn luận như người dân Mỹ đang được hưởng.

Theo Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài thường trú tại Trung Quốc (FCCC), kể từ năm 2013 đã có ít nhất 9 phóng viên quốc tế bị ép phải rời Trung Quốc, nhưng chế độ Bắc Kinh đã không ra quyết định trục xuất thẳng thừng bất kỳ một phóng viên quốc tế nào kể từ năm 1998.

Năm 1998, Trung Quốc đã trục xuất một phóng viên Nhật Bản và một phóng viên Đức với cáo buộc hai nhà báo này thu thập bí mật nhà nước Trung Quốc.

Trong tuyên bố phát đi hôm 19/2, FCCC đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc hủy thị thực và thẻ tác nghiệp của ba phóng viên WSJ. FCCC nói rằng hành động đó của chế độ Bắc Kinh là “hình thức trả thù chưa từng có đối với các nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc”.

Hành động đưa ra chống lại các phóng viên thường trú của WSJ [ tại Trung Quốc] là nỗ lực cực đoan và rõ ràng của chính quyền Trung Quốc nhằm đe dọa các tổ chức tin tức nước ngoài bằng cách trả thù các phóng viên của họ ở Trung Quốc,” FCCC nói.

Trước đó, hồi tháng 8/2019, phóng viên của WSJ người Singapore Chun Han Wong cũng đã buộc phải rời Trung Quốc sau khi giới chức nước sở tại từ chối gia hạn thẻ tác nghiệp báo chí của anh này. Vài tuần trước đó, phóng viên Chun Han Wong đã viết một bài báo điều tra nêu chi tiết về một cuộc điều tra của chính quyền Úc đối với các hoạt động rửa tiền của một người Trung Quốc. Người này được cho là họ hàng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thượng nghị sĩ Ben Sasse hôm 19/2 cũng đã chỉ trích quyết định của Bắc Kinh, và lưu ý rằng WSJ cũng như nhiều hãng truyền thông nước ngoài khác đều bị chính quyền Trung Quốc chặn truy cập và người dân Trung Quốc không thể đọc được tin tức của các hãng này nếu không dùng phần mềm vượt tường lửa.

Đây là minh chứng cho thấy Bắc Kinh bị bệnh: Cùng là Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ đã không làm gì nhiều tuần khi virus corona làm Vũ Hán lao đao, nhưng họ lại nhanh chóng hành động khi cảm xúc của Chủ tịch Tập bị tổn thương bởi một tiêu đề bài báo mà không người nào ở Trung Quốc được tự do đọc,” ông Ben Sasse nói.

WSJ không nợ Đảng Cộng sản Trung Quốc điều gì. Chủ tịch Tập mới là người nợ người dân Trung Quốc một lời xin lỗi vì ông ta đã che giấu thông tin về virus corona.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times)