Sihanoukville Thành phố cảng của Campuchia bên bờ vịnh Thái Lan đang trở thành miền đất hứa cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Nhưng với đặc trưng phát triển địa ốc của người Trung Quốc, cuộc sống của người dân nghèo Campuchia ở đây không dễ chịu hơn mà còn khó khăn hơn trước.

Theo mô tả của Le Monde Diplomatique (báo Pháp), trên quảng trường Độc Lập, khu phức hợp Vịnh Xanh (Blue Bay) với hai tòa nhà cao 38 tầng đang được xây dựng. Các tờ bướm quảng cáo mở bán căn hộ được in sẵn bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Nhân viên dự án giới thiệu: “Chúng tôi đã bán hết toàn bộ các căn hộ trong tòa tháp thứ nhất, và 65% của tòa tháp thứ hai. Khách hàng chúng tôi là người Trung Quốc, Campuchia và Singapore”. Trên bãi biển, các khu nhà bungalow xa xỉ đang được xây dựng, kế đó là một casino và một trung tâm thương mại. Vào năm 2019, có đến 1.450 căn hộ sẽ được trao chìa khóa với giá từ 2.500 đến 3.500 USD (58 – 81 triệu VND) một mét vuông, một cái giá vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người Cam bản địa.

sihanoukvile
Các casino tại Sihanoukville mọc lên thu hút người Trung Quốc

Ông Paul H, một nhân viên môi giới địa ốc cho biết: “Người Trung Quốc rất mê những địa điểm như thế này. Các khách hàng của tôi săn lùng những khu đất, chủ yếu là phải nhìn ra biển. Các chủ đất người Cam sẵn sàng trục xuất người đang thuê ở để thu được khoản tiền thuê lớn hơn”.

Từ khi ông Tập Cận Bình đến thăm Campuchia hồi tháng 10/2016, số lượng du khách từ Hoa lục không ngừng tăng lên trên toàn quốc. Đến cuối năm 2017, con số này là khoảng 1,2 triệu khách (tăng 46%). Mỗi tuần có một chuyến bay nối liền Sihanoukville với Macao và bảy thành phố khác của Trung Quốc, ngoài ra chính quyền Phnom Penh sắp sửa cấp thêm khoảng 30 giấy phép bay khác.

Không chỉ không đủ tiền thuê hoặc mua các cơ ngơi địa ốc của chủ thầu Trung Quốc, người dân Sihanoukville còn bị gạt ra lề ở chính quê hương của mình khi mà các chủ thầu Trung Quốc mang cả “bộ sậu” của họ tới để làm việc. Khi các dự án hoàn thành, chẳng hạn các khách sạn 5 sao và các casino sẽ chỉ tuyển dụng nhân viên người Trung Quốc vào làm.

Kheng, một người lái xe tuk-tuk than thở: “Các chủ sở hữu nhà đất rất vui vì họ bán hoặc cho thuê với giá cao do họ đưa ra. Ngược lại, đại đa số người dân Campuchia không thể đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội như vậy”.

china sihanoukvile
Người nghèo Campuchia không những không kiếm được việc làm trong những dự án đầu tư của Trung Quốc mà cuộc sống của họ còn khó khăn hơn

Ước chừng 10.000 người lao động người Trung Quốc – gồm các nhân viên casino, và đa số là công nhân xây dựng – sẽ đến làm việc tại đây, tuy khó thể biết được số lượng chính xác. Hồi tháng 1/2018, tờ Phnom Penh Post tiết lộ trong một báo cáo cho Bộ Nội vụ, chính thống đốc Sihanoukville đã cảnh báo chính phủ về một số biến tướng đi kèm với tiền của người Trung Quốc. Trong đó có: sự gia tăng các hoạt động tội phạm mafia, tác động tiêu cực của việc giá nhà tăng phi mã đối với vật giá địa phương, người dân bản xứ không thu được lợi ích nào từ các hoạt động kinh tế Trung Quốc kiểm soát và các dự án của người Trung Quốc chỉ nhằm phục vụ người Trung Quốc.

Xa hơn nữa, những dịch vụ giải trí rẻ tiền dành cho người bản địa hoặc những người ưa du lịch giá rẻ cũng bị xóa sổ. Ví dụ điển hình là bãi biển bình dân Ochheuteal, nơi những tiệm ăn giá rẻ mà người ta có thể ngồi ngay trên bãi cát để ngắm biển đã biến mất không còn dấu vết. Thay vào đó, một khách sạn năm sao và một casino sẽ xuất hiện. Đó là công trình của một công ty liên doanh giữa Royal Group – một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất Campuchia, do một người thân của thủ tướng Hun Sen làm chủ – và một đối tác Trung Quốc.

Cơn sốt Trung Quốc hóa này khiến dân thành phố bức xúc. Một công ty du lịch địa phương cho biết : “Người Trung Quốc có mạng lưới riêng của họ. Những du khách vừa đến nơi là được đưa thẳng đến các khách sạn kiêm sòng bạc của người Trung Quốc”. Pheap, một công nhân xây dựng trẻ nhận xét: “Chúng tôi chẳng được lợi lộc gì từ lượng du khách người Hoa đông đảo, ngoài việc vật giá tăng lên”.

Các cơ sở hạ tầng được Trung Quốc tài trợ trong khuôn khổ dự án “Một vành đai, một con đường” mọc lên khắp nơi tại Campuchia. Theo Bộ Công chính nước này, trên 2.700 kilomet đường bộ đã được cải tạo; một xa lộ nối liền Phnom Penh với Sihanoukville, một cảng nước sâu tại Kampot và một sân bay rộng mênh mông ở phía nam thủ đô đã được chính thức lên kế hoạch. Số đó là chưa kể đến các đập thủy điện đang được xây dựng, hay các dự án dọc theo dòng sông Mêkông. Chính quyền Phnom Penh cũng nhờ Bộ Công An Trung Quốc hỗ trợ để đấu tranh chống “khủng bố và tội phạm mạng”.

Bằng cách đổ tiền vào Campuchia, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của nước này, vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu EU. Hai chính phủ cam kết sẽ gia tăng trao đổi thương mại từ 5 tỷ USD vào năm 2017, lên 6 tỷ USD năm 2020. Năm 2016, Trung Quốc viện trợ 732 triệu USD cho Campuchia, trong đó 1/3 là tiền mặt.

Đáp lại, Campuchia cũng hoàn thành tốt vai trò chư hầu đắc lực nhất của Bắc Kinh tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Trong 2 năm là 2012 và 2016, Campuchia đã không chấp nhận các bản dự thảo tuyên bố chung của ASEAN có nội dung phản đối thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, và việc quân sự hóa các đảo nhỏ mà Trung Quốc tranh giành với Việt Nam, Philippines.

Từ giữa thập niên 90, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia bắt đầu trở nên mạnh mẽ thì hiện tại Phnom Penh lại càng thuần phục Bắc Kinh hơn trong bối cảnh phương Tây chỉ trích các vấn đề nhân quyền của chính phủ Hun Sen. Tháng Ba năm nay, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tái khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Phnom Penh trong việc “ bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích”, cũng như việc tổ chức bầu cử vào tháng Bảy.

Hoa Kỳ và EU đã đe dọa trừng phạt thương mại nếu phe đối lập không được tham gia tranh cử. Từ đầu tháng Năm, Ủy ban Châu Âu loan báo có thể sẽ tổ chức điều trần về sáng kiến Tout Sauf les Armes (Tất cả đều có thể, trừ vũ khí – TSA), theo đó EU miễn thuế hải quan cho đại đa số mặt hàng của 48 quốc gia kém phát triển nhất – một chính sách hết sức quan trọng đối với hàng dệt may của Campuchia. Tuy nhiên, rõ ràng là cuộc sống của người dân tại Sinhanoukvile hay ảnh hưởng tới ngành dệt may cũng không phải là mối quan tâm chính của ông Hun Sen, người gần như chắc chắn sẽ chiến thắng trong một cuộc bầu cử không đối thủ. Vài tháng trước, tòa án Tối cao Campuchia đã giải thể đảng đối lập theo yêu cầu của chính phủ Hun Sen. Ông Hun Sen cũng chẳng để ý tới viện trợ của một phương Tây hay giảng đạo đức. Và hồi tháng Hai, ông ta đã nói trắng ra: “Các đại diện Trung Quốc tôn trọng tôi, đối xử với tôi như ngang hàng”.

Còn về việc Bắc Kinh ủng hộ phe Khmer Đỏ (từ 1975 đến 1979) hay xâm lược Việt Nam năm 1979, đối với Hun Sen chỉ là những chi tiết của một lịch sử mà ông ta không muốn nhắc tới. Ngày nay, hai chính phủ Bắc Kinh – Campuchia đều vui vẻ trước mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”, bất chấp việc gạt ra bên lề tương lai của những người dân nghèo Cam.

Đức Trí (T/h)