Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được cho là đã sử dụng công nghệ định vị quân sự của họ thay thế hoàn toàn cho Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ trong vài tháng qua. Chế độ Bắc Kinh hiện tại có kế hoạch trước tiên sẽ quảng bá công nghệ này tới các nước lân cận, sau đó tiếp tục phổ biến ra toàn cầu vào năm 2020, theo Epoch Times.

ve-tinh-Beidou
Trung Quốc phóng thành công các vệ tinh Beidou thế hệ thứ ba vào quỹ đạo hồi tháng 11/2017, tạo bước đột phá cho công nghệ định vị do họ tự chế tạo. (Ảnh: Wang Yulei/CHINA NEWS SERVICE/VCG via Getty Images)

Được biết, Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) do chính phủ Mỹ thiết kế và vận hành có giá trị kinh tế khoảng 56 tỷ USD vào năm 2015. ĐCSTQ hiện nay đang nỗ lực để thâm nhập vào thị trường tiềm năng này.

Theo một báo cáo của hãng tin DWNews tiếng Trung công bố hôm 30/7, ĐCSTQ được cho là đã đưa Hệ thống Định vị Vệ tinh Beidou (BDS) sản xuất nội địa vào hoạt động đầy đủ được vài tháng. Nhờ có các vệ tinh Beidou thế hệ thứ ba, khiến cho BDS đạt được bước đột phá lớn. Từ 5/11/2017 tới 30/3/2018, chế độ Bắc Kinh đã phóng thành công 8 vệ tinh mới lên quỹ đạo trái đất.

Báo cáo của DWNews cho biết các nhà lãnh đạo ĐCSTQ muốn hệ thống BDS cuối cùng phải có 35 vệ tinh, trong đó có 5 vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh, 27 vệ tinh quỹ đạo trung bình trên trái đất và 3 vệ tinh quỹ đạo có độ nghiêng đồng bộ.

Hệ thống GPS của Mỹ hiện nay được sử dụng trong hầu hết mọi công nghệ định vị chính yếu từ Google Maps tới thương mại điện tử và các mạng xã hội. Vì công nghệ này sẽ rất quan trọng trong thời chiến cho chiến đấu cơ, thông tin liên lạc quân sự, và hệ thống dẫn đường tên lửa, nên các cường quốc khác đều đã tạo ra các hệ thống định vị của riêng mình như hệ thống GLONASS của Nga, hệ thống GALILEO của Liên minh Châu Âu và BDS của Trung Quốc.

Theo Epoch Times, BDS được chế độ Trung Quốc triển khai từ năm 1994 với 3 vệ tinh. Hệ thống đầu tiên này gặp khá nhiều lỗi và chỉ có thể bao phủ giới hạn trong lãnh thổ Trung Quốc. BDS không đạt được bước tiến đáng kể nào cho tới khi Bắc Kinh phóng thành công các vệ tinh Beidou thế hệ thứ ba vào không gian hồi tháng 11/2017.

Đối với chế độ ĐCSTQ, công nghệ này là một hệ thống sử dụng kép: Chính quyền bán công nghệ cho các thành phần kinh tế, nhưng khi đạt được tiến bộ công nghệ, nó cũng sẽ quay trở lại tăng khả năng quân sự cho chế độ cầm quyền.

Theo hãng tin DWNews, chính quyền Trung Quốc đã nhúng BDS vào “nhiều nền tảng phóng vũ khí quy mô lớn” và trong “các đơn vị trinh sát và các hoạt động nhóm”. DWNews dẫn theo báo cáo của các hãng tin Anh Quốc cho rằng BDS sẽ góp phần cải thiện tính chính xác của các cuộc tấn công vũ khí quân sự của nhà nước Trung Quốc.

Báo cáo của DWNews thông tin thêm rằng ĐCSTQ hiện đang phát triển các khả năng trong BDS cho “trinh sát, giám sát, chỉ huy và các cuộc tấn công được hỗ trợ” và nhiều tính năng khác.

ĐCSTQ cũng đang công khai tham vọng của họ đằng sau công nghệ BDS. Ngoài việc để tăng khả năng quân sự, chế độ Bắc Kinh cũng muốn tham gia vào thị trường nhiều tỷ USD mà công nghệ GPS của Mỹ đang thống trị. ĐCSTQ muốn chiếm lĩnh thị trường của GPS. DWNews tiết lộ rằng chế độ Bắc Kinh đã thúc đẩy triển khai BDS tại Hồng Kông, Macao, Đài Loan và Pakistan.

Cũng theo DWNews, ĐCSTQ đang đàm phán với “Tổ chức Hợp tác Không gian Châu Á – Thái Bình Dương, Thái Lan, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, Indonesia và một số quốc gia khác” để triển khai hệ thống BDS thay thế cho GPS.

Báo cáo của DWNews cũng nói rằng khi chế độ Trung Quốc thúc đẩy BDS, ảnh hưởng của Mỹ sẽ giảm xuống vì các quốc gia sẽ không còn sợ không được tiếp cận GPS nếu họ có những động thái làm Mỹ tức giận. DWNews lưu ý rằng BDS cũng hoàn toàn có thể tích hợp vào GPS để tận dụng cả hai công nghệ.

Ngoại giới đánh giá rằng khi ĐCSTQ tiếp tục thúc đẩy tiến bộ công nghệ và hệ thống vũ khí không gian của mình, họ có thể cũng đang tăng cường các chương trình đánh cắp công nghệ của các nước khác. Mỹ đã cảnh báo rằng chế độ Trung Quốc có thể gia tăng các chương trình đánh cắp công nghệ liên quan đến không gian. Thậm chí ngay cả Nga, nước vẫn đang duy trì mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, đã bắt đầu cáo buộc ĐCSTQ về vấn đề đánh cắp công nghệ.

VOA tiếng Trung hôm 1/3 thông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh mới và tới 20/7, hãng tin của Mỹ này tiết lộ công nghệ tên lửa nêu trên của Nga đã bị rò rỉ. Điều này dẫn tới một loạt các bài báo của các hãng tin Nga tuyên bố về mối đe dọa của ĐCSTQ đối với công nghệ không gian Nga chính là đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Nga.

VOA dẫn tin từ hãng tin Nga Lenta.ru đăng hôm 24/7 nói rằng “Trung Quốc đã đánh cắp bí mật không gian của Nga và không còn lại gì để đánh cắp nữa”.

Tân Bình

Xem thêm: